Tham dự hội thảo còn có ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Văn Hiển, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội...
Hội thảo được tổ chức với mục đích cung cấp kinh nghiệm của một số nước trên thế giới xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến tài chính đất đai, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời cung cấp thêm quan điểm, góc nhìn đa chiều về các vấn đề này từ các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật đất đai.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết dự án Luật đất đai (sửa đổi) là dự án Luật khó, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ; việc sửa đổi Luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân; quy định của Luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và quyền, lợi ích của người dân.
|
Ông Nguyễn Đức Hải – Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại hội thảo. |
Dự án Luật đã được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV (tháng 10/2022), lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5/2023) và nếu bảo đảm chất lượng, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân (với 12.107.457 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật) và hai lần Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực, trách nhiệm hoàn thiện dự án Luật, cơ bản thể chế hóa được các định hướng lớn trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đồng thời xử lý nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới...
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hội thảo là sự kiện khoa học kịp thời và có ý nghĩa, nhằm tiếp tục cung cấp thêm thông tin khách quan, kinh nghiệm quốc tế cho việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm dự án Luật được xây dựng với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
|
Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, chuyên gia cao cấp về chính sách đất đai, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu một số khuyến nghị đối với Luật Đất đai (sửa đổi). |
Trọng tâm của hội thảo liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Quy hoạch vẫn còn nhiều hạn chế vướng mắc chưa phù hợp khi áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam. Nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực quản lý đất đai đã đưa ra những ý kiến góp ý như Luật đất đai chỉ nên quy định về đất, còn việc sử dụng đất như thế nào thì phải quy định tại luật khác; Đất sử dụng đa mục đích thì phải phân tích mục đích chính sử dụng diện tích đất lớn nhất hoặc mục đích mang lại hiệu quả về kinh tế, thu lại giá trị cao nhất.
Vấn đề định giá đất cũng nên học hỏi kinh nghiệm các quốc gia đang triển khai hiệu quả đó là cần có một tiêu chuẩn chung của Nhà nước về định giá đất, việc phân loại giá dựa trên tình hình thực tiễn tại từng địa phương dưới sự kiểm soát của Nhà nước và phải xây dựng được lộ trình nâng cấp giá đất theo thời hạn cụ thể.
|
Tại hội thảo các cơ quan ban ngành và các chuyên gia cũng làm rõ nhiều hạn chế đồng thời đưa ra nhiều giải pháp liên quan đến giải quyết các chính sách pháp luật về thu hồi đất, hiệu quả của công tác quản lý các loại đất như đất Quốc phòng, đất lâm trường, đất rừng, đất khai hoang, lấn chiếm lâu năm của dân di cư tự do,...