Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đây là một trong những đề xuất tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức mới đây.

Tại Hội nghị, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá đây là dự thảo luật quan trọng bậc nhất điều chỉnh các quan hệ trực tiếp liên quan đời sống người dân. Bởi vậy, yêu cầu trước hết và quan trọng nhất là bảo đảm phát huy giá trị đất đai, nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phát triển đất nước. Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất phục vụ lợi ích riêng, “lợi ích nhóm”; đặc biệt là ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai làm giàu cho cá nhân.

Ông Lý cho rằng, trong dự thảo Luật chưa làm rõ địa vị pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm chủ sở hữu. Quyền hạn nào phải do toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua trưng cầu ý dân); quyền hạn nào chủ sở hữu ủy quyền cho người đại diện thực hiện. Ngoài ra, quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước khác với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ.

Liên quan tài chính và giá đất, ông Lý nhận định, giá đất, khung giá đất, thời gian tính tiền SDĐ khi có quyết định giao đất (một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án không thống nhất được số tiền SDĐ dẫn đến việc không nộp được tiền, không cấp được giấy, không triển khai được các thủ tục xây dựng, ách tắc việc giải ngân) dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp giữa cơ quan quản lý với người SDĐ. “Đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay. Nội dung này quy định trong Chương XI của dự thảo Luật cần gia cố thêm”, ông Lý đề xuất.

Góp ý vào dự thảo Luật, PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu pháp luật & xã hội (VUSTA) nhận định, Nghị quyết 18-NQ/TW đã chỉ ra một số yếu kém của chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch SDĐ; trong khi đó, quy hoạch, kế hoạch SDĐ là căn cứ giao, cho thuê đất, thu hồi đất. Ông Nghị đề nghị dự thảo Luật cần có quy định: Quy hoạch SDĐ quốc gia được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch. Nếu có quy định này, sẽ tạo ra cơ sở khắc phục được tình trạng các quy hoạch SDĐ quốc gia bị phê duyệt chậm như thời gian vừa qua.

“Theo tôi, cần có những khu vực đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định”, ông Nghị cho rằng, vừa qua có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ diễn ra làm phương hại lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia.

Để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ, làm mất tính ổn định của quy hoạch, kế hoạch; theo ông Nghị, cần quy định các nguyên tắc cũng như việc lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh. “Lấy ý kiến nhân dân chính là cơ chế ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ vì lợi ích riêng, trục lợi”, ông Nghị nói.

Cùng tham luận về vấn đề này, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, so với Luật 2013, dự thảo luật lần này đã có nhiều quy định cụ thể khoa học hơn. Tuy nhiên, về quy hoạch SDĐ được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 Điều 67) cần xem lại; bởi với khối lượng công việc lớn thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế, cần nghiên cứu từ kết quả giám sát quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch 2017. Việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch SDĐ còn cần phải lấy ý kiến HĐND và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Theo ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, để xác định giá đất theo giá thị trường với vùng nông thôn miền núi, biên giới, vùng có điều kiện KTXH khó khăn, cần làm rõ các yếu tố có tính đặc thù tác động, như bất lợi của tự nhiên, địa hình; kinh tế chậm phát triển; đời sống người dân còn khó khăn, thu nhập thấp… Để khắc phục những hạn chế trong việc xây dựng giá đất thời gian qua và để thực hiện theo quy định mới bảo đảm chặt chẽ, phù hợp, dự thảo Luật hoặc văn bản dưới Luật cần quy định cụ thể về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai đến cơ sở xã; thường xuyên cập nhật thông tin các giao dịch về đất đai, nhất là các trường hợp chuyển nhượng quyền SDĐ; để làm cơ sở cho việc xác định giá đất.

Ngoài ra, giá đất cần phải gắn với quy hoạch, kế hoạch SDĐ; các khu vực được quy hoạch cần được xác định rõ về vị trí, diện tích, loại đất và dự kiến các tác động vào giá đất tăng khi thực hiện dự án đầu tư; đồng thời các dự án đầu tư phải được thực hiện đúng tiến độ quy hoạch, kế hoạch SDĐ được phê duyệt.

Đọc thêm