Tham mưu chính sách nhanh, kịp thời, chính xác

(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu trên trong phát biểu tại phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước được Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sách, báo về hoạt động ngoại giao. (Nguồn ảnh: VGP)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sách, báo về hoạt động ngoại giao. (Nguồn ảnh: VGP)

6 thành tựu của ngoại giao kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng kết quả của ngoại giao kinh tế Việt Nam từ Đại hội Đảng lần thứ XIII có 6 thành tựu. Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về ngoại giao kinh tế; nắm chắc tình hình thế giới, khu vực để tham mưu Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách ngoại giao kinh tế. Thủ tướng đánh giá cao ngành Ngoại giao đã nắm tốt tình hình kinh tế các nước, khu vực, thế giới, từ đó có những đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy mạnh mẽ giữa lấy nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Thứ ba, góp phần giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như đại dịch, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...

Thứ tư, góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác phát triển để huy động nguồn lực xây dựng đất nước. Thủ tướng điểm lại một số chuyến thăm nổi bật đến Việt Nam trong thời gian gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden… đã tạo nên độ tin cậy chính trị, tình cảm sâu sắc hơn, phát triển kinh tế hiệu quả hơn, giao lưu nhân dân được mở rộng, hợp tác nhiều lĩnh vực toàn diện hơn.

Thứ năm, thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc, kết hợp giữa văn hóa với phát triển nền kinh tế. Thứ sáu, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân, giữa các địa phương, “lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ”.

Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô từ nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn. Do đó, Việt Nam vừa phải giữ độc lập, tự chủ nhưng vẫn phải tích cực, chủ động hội nhập và không thể hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, an sinh của người dân, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần khi triển khai ngoại giao kinh tế phải “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, hài hoà về lợi ích, rủi ro thì chia sẻ”; tham mưu chính sách phải nhanh, kịp thời, chính xác hơn bởi tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh. “Các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả nhưng phải chân thành, tôn trọng, tin cậy thể hiện tinh thần “ngoại giao cây tre””, Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Ngoại giao phải bám sát yêu cầu trong nước, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, phải làm những gì người dân và doanh nghiệp cần, không làm những gì mình có. Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết về luật pháp, có tâm, có tầm.

Nâng cao tính chủ động trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế

Thủ tướng đánh giá trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nguy nhiều hơn cơ. Trong bối cảnh đó, toàn ngành Ngoại giao phải nỗ lực hơn, nâng cao tính chủ động trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Thủ tướng đề ra 6 nhiệm vụ chính cho ngành Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Nghị quyết số 21 của Chính phủ trên cơ sở đổi mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược, phương pháp luận và cách tiếp cận để thúc đẩy vai trò trung tâm của kinh tế.

Cùng với đó, triển khai công tác ngoại giao kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế chung của thế giới kết hợp với tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy hợp tác, cụ thể hóa các cam kết về kinh tế và rà soát quá trình triển khai các cam kết đã ký.

Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo. Đồng thời, tăng cường phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương theo tinh thần lấy doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ.

Trong phát biểu khai mạc phiên họp, khẳng định đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, yêu cầu đặt ra đối với công tác ngoại giao kinh tế là làm sao phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, tranh thủ tốt các điều kiện quốc tế thuận lợi và các xu thế phát triển của thế giới, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc kết hợp hiệu quả với các nguồn lực bên ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước.

Tham luận tại Hội nghị, đại diện các ban, Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, rút ra các bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.

Đọc thêm