"Thâm nhập" chợ gỗ lớn bậc nhất miền Bắc

(PLO) -Chợ gỗ Phù Khê (xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) được xem là khu chợ lớn nhất miền Bắc từ trước đến nay. Chợ chủ yếu buôn bán các loại gỗ tự nhiên như gỗ hương, gỗ trắc, gỗ mun…
Mỗi gia đình chỉ được đăng ký một gian hàng ở chợ gỗ.
Mỗi gia đình chỉ được đăng ký một gian hàng ở chợ gỗ.

Quy định đặc biệt, mỗi nhà chỉ một gian hàng

Xã Phù Khê, trên các tuyến đường chính có những khu chợ chỉ bán duy nhất một mặt hàng là gỗ. Xuất phát từ nhu cầu buôn bán tại địa phương, người dân đã mở một khu chợ chuyên buôn gỗ.

 Theo lãnh đạo xã Phù Khê, trước đây trong xã có hơn 2 nghìn hộ dân, trong đó có 22 hộ đã thành lập doanh nghiệp, còn lại hầu hết chủ yếu làm nghề thợ mộc truyền thống, chế tác sản phẩm gia dụng, sử dụng các loại gỗ để làm các sản phẩm mỹ nghệ. 

Chỉ riêng thôn Phù Khê Thượng đã có tới 500 hộ dân làm nghề mộc, nhu cầu nguyên vật liệu ngày càng lớn, các doanh nghiệp trong xã không thể đáp ứng đủ số lượng gỗ. Chính vì thế, người dân phải sang các xã lân cận mua nguyên liệu, dẫn đến tình trạng bị ép giá, phụ thuộc, gây khó khăn cho quá trình sản xuất của làng nghề.

Trước thực tế này, lãnh đạo thôn Phù Khê Thượng đề xuất lên UBND xã xin thị xã Từ Sơn cấp phép lập quy hoạch và phê duyệt dự án thành lập chợ gỗ tại địa phương. Đây cũng được coi là hạng mục đầu tư phù hợp với lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã và được sự ủng hộ của các hộ dân nơi đây. 

Sau khi được cấp phép, lãnh đạo thôn Phù Khê Thượng nhanh chóng triển khai giải phóng mặt bằng, những cánh đồng lầy, những khu đất khó canh tác để xây dựng các khu chợ khang trang.

Kinh phí xây chợ chủ yếu do người dân đóng góp, kết hợp với nguồn tài chính của thôn. Ngay sau khi thành lập, chợ phát triển rất nhanh, người dân đua nhau thuê ki ốt để kinh doanh gỗ. 

Hiện khu chợ có hơn 200 gian hàng lớn nhỏ, mỗi một gian hàng có diện tích trung bình 40m2. Theo quy định, một trong những điều khoản quan trọng khi đăng ký thuê gian hàng là “người ký hợp đồng phải là người chính chủ kinh doanh gỗ, không được chuyển nhượng cho các cá nhân khác dưới bất kỳ hình thức nào, sau khi ký kết, nếu mua bán, chuyển nhượng sẽ bị thu hồi”. 

Nếu vì điều kiện đặc biệt, người thuê có quyền trả lại gian hàng, ban quản lý chợ sẽ hoàn trả lại tiền trên cơ sở cân đối thời gian hợp đồng phát sinh hiệu lực. Và mỗi hộ chỉ được đăng ký một gian hàng.

Gỗ ở chợ Phù Khê chủ yếu là gỗ trắc, từ những thanh gỗ trắc kích thước nhỏ khoảng 6-7cm được bán với giá 40 nghìn/kg, cho đến những miếng gỗ có giá hàng triệu đồng tùy kích cỡ. Ngoài ra, còn có đỗ hương gốc được bán với giá 15- 20 nghìn đồng mỗi kilogam cũng luôn luôn có hàng.

Ngoài làng Phù Khê Thượng còn có làng Đông Kỵ, cũng nổi tiếng không kém về buôn gỗ tại khu chợ Phù Khê. Làng Đông Kỵ còn được mệnh danh là làng “giàu nhất Bắc Ninh”, bởi có nhiều cửa hàng cho doanh thu hàng tỷ đồng.

Chợ gỗ Phù Khê được phân theo khu chợ, khu chợ gỗ trắc riêng biệt, còn lại là các khu chợ thập cẩm gỗ hương, mun, cẩm lai… rải rác khắp tuyến đường. Theo người dân, từ khi thành lập được gần 5 năm, chợ phát triển rất mạnh, nhiều hộ dân đổi đời từ buôn gỗ, nhưng cũng nhiều hộ phải tay trắng.

Chị Nguyễn Thị Bích, một hộ buôn gỗ tại chợ Phù Khê chia sẻ: Kể từ khi chợ gỗ thành lập, công việc buôn bán của gia đình cũng khấm khá hẳn. Không riêng chị mà các hộ dân khác cũng đều phấn khởi, dù phải bỏ gần 40 triệu thuê một gian hàng mỗi năm. 

“Hồi chợ gỗ chưa mở, bọn tôi phải đi thuê địa điểm ngoài xã để kinh doanh, giá thành lại cao gần gấp đôi mà việc buôn bán không ổn định. Từ khi chuyển qua chợ Phù Khê thì buôn bán hưng thịnh”, chị Bích nói.

Đổi đời nhờ buôn gỗ

Chợ gỗ Phù Khê diễn ra hằng ngày, từ 5h sáng đến tối khuya, khi nào cũng có khách đến mua. Là nguyên liệu chủ yếu cho các sản phẩm gia dụng như bàn ghế, giường tủ… nên gỗ Phù Khê thu hút rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đến thu mua. 

Gỗ ở đây vừa bán theo tấm, vừa bán cả các loại gỗ vụn. Gỗ vụn thường bán theo cân với giá khoảng 1 triệu đồng/kg đối với gỗ trắc. Theo tiểu thương, gỗ trắc có 3 loại, đen, vàng và đỏ, trong đó gỗ trắc đen và đỏ là hai loại được cho là đắt nhất. 

Từ khi thành lập đến nay, chợ gỗ Phù Khê nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường chợ gỗ trong nước và được cho là lớn nhất miền bắc. Các sản phẩm gỗ đa dạng luôn phù hợp với việc sản xuất, chế tác các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống người dân. Các loại gỗ có kích thước phong phú và đa dạng, như xe, để ván hoặc vụn như củi để bán theo cân. 

Khách hàng đến chợ có thể thoải mái lựa chọn những loại gỗ mình cần, gỗ được bày bán la liệt trên vỉa hè, mặt đường hay dựng cả trên gốc cây bên đường. Thông thường giá niêm yết chung nên ít khi người mua phải trả giá.

Không chỉ bán lẻ, các hộ buôn gỗ còn xuất khẩu sang các nước khác, hay bán buôn cho các thương lái ở tỉnh xa. Có thâm niên gần 3 năm buôn bán gỗ tại chợ Phù Khê, chị Trương Thị Trinh cho biết: Sau khi được thợ gia công, các tấm gỗ lớn hoặc vừa sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc, hoặc có mối lớn ở các tỉnh xa đến trực tiếp thu mua, bán với giá từ 7 - 10 triệu/tấm. 

“Tôi chủ yếu bán cho khách buôn. Họ mua với số lượng lớn mang về xưởng để sản xuất. Còn bán lẻ chủ yếu là các loại gỗ vụn. Tôi bày bán loại này để thêm thu nhập thôi. Các loại gỗ vụn này cũng thu được 40 - 50 nghìn đồng/kg”, chị Trinh chia sẻ.

Nhờ buôn gỗ, nhiều hộ dân khá giả hơn, từ kinh doanh nhỏ, lẻ dần chuyển sang kinh doanh lớn. Anh Nguyễn Ngọc Do, hộ buôn bán tại chợ, chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây cũng khó khăn, tôi làm thợ mộc thuê. Sau khi chợ gỗ mở, vợ chồng tôi bàn bạc vay vốn mở một cửa hàng bán gỗ nhỏ. Sau vài năm chịu khó, giờ đây gia đình tôi cũng có của ăn của để”. 

Gỗ Phù Khê còn nổi tiếng bởi các mặt hàng tại đây luôn được kiểm tra và đầy đủ giấy tờ, chứng nhận hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ. Công tác an ninh tại chợ được chú trọng, bảo vệ túc trực 24/24. Với diện tích rộng trên 10.000m2, chợ gỗ Phù Khê đang ngày càng trở nên giàu mạnh từ việc kinh doanh gỗ. 

Đọc thêm