"Tham nhũng thách thức Quốc hội và sự chịu đựng của nhân dân"

“Cử tri rất bất bình về tham nhũng. Càng bất bình, càng kêu, càng phát hiện nhiều vụ tham những”, đó không chỉ là bức xúc của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) mà còn là bức xúc của rất nhiều đại biểu, khi Quốc hội đưa vấn đề phòng chống tham nhũng ra bàn bạc công khai trên nghị trường, hôm qua.

“Cử tri rất bất bình về tham nhũng. Càng bất bình, càng kêu, càng phát hiện nhiều vụ tham những”, đó không chỉ là bức xúc của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) mà còn là bức xúc của rất nhiều đại biểu, khi Quốc hội đưa vấn đề phòng chống tham nhũng ra bàn bạc công khai trên nghị trường, hôm qua.

Số vụ tham nhũng Chính phủ nêu chỉ là phần nổi?

 không ít vụ tham nhũng chưa được phát hiện kịp thời, có nơi người có trách nhiệm chống tham nhũng lại tham nhũng
Theo đại biểu tỉnh Bình Thuận: "Không ít vụ tham nhũng chưa được phát hiện kịp thời, có nơi người có trách nhiệm chống tham nhũng lại tham nhũng".
Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng những con số về vụ án tham nhũng nêu trong báo cáo của Chính phủ chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật.
Đại biểu Phạm Trường Dân, Quảng Nam, nói: "Tôi nghĩ rằng trong phạm vi toàn quốc với số lượng tham nhũng như thế vẫn còn ít. Dư luận cho rằng số vụ án đó chỉ là phần nổi, vẫn còn nhiều tảng băng chìm chưa được phát hiện". 
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Lâm Đồng, phản ánh: Tham nhũng của chúng ta không được đẩy lùi và thậm chí nhiều cử tri cho rằng, tham nhũng lấn át cả những người tích cực. Điều đó cho chúng ta thấy đây thực sự là một nguy cơ". 
Đại biểu Trương Thị Yến Linh, Cà Mau, cùng nhận định: “Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri lo lắng, hoài nghi bức xúc nói trước đây Chính phủ, Nhà nước quản lý điều hành các Tổng công ty, Tập đoàn còn hiện nay hình như là ngược lại, các Tổng công ty, Tập đoàn điều hành lại Chính phủ, Nhà nước và việc phòng, chống tham nhũng chủ yếu chỉ là hình thức". 
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc - Bình Thuận thêm thông tin: Trước kia tham nhũng chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng chống dịch bệnh. Một bộ phận cán bộ công chức và người dân coi việc "bôi trơn" cho công chức khi giải quyết công việc là chuyện bình thường.
Tình trạng tham nhũng "vặt", tham nhũng nhỏ lẻ hay chi phí không chính thức tuy thiệt hại không lớn, nhưng diễn ra ở nhiều nơi. Trong khi đó không ít vụ tham nhũng chưa được phát hiện kịp thời, có nơi người có trách nhiệm chống tham nhũng lại tham nhũng, ngược lại người chống tham nhũng chưa được bảo vệ an toàn, chưa có cơ chế, chính sách, hành động cụ thể bảo vệ những người dũng cảm phát hiện, tố cáo đúng những hành vi tham nhũng.
Đại diện cử tri  tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Trần Đình Nhã, đưa ra nhận xét: Chưa bao giờ từ "tham nhũng" lại có tần số xuất hiện nhiều như bây giờ. Đúng như Kết luận số 21 của Ban chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: "Tham nhũng đã thách thức sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
"Ở đây tôi xin nói thêm là tham nhũng cũng đã thách thức Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nguy hiểm hơn tham nhũng còn thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân", ông Nhã nói. 
Cũng theo ông Nhã: "Nhìn vào báo cáo của Chính phủ có thể thấy một nghịch lý là tội phạm tham nhũng ở Việt Nam chỉ xét xử được ngần ấy, lại toàn là loại án nhẹ. Vậy tại sao ở nơi nào cũng lên tiếng, cũng bức xúc về tham nhũng hay do vô tình chúng ta tự bôi đen tình hình, thổi phồng tình hình tham nhũng.
Tôi không nghĩ như thế, Chính phủ cũng không nghĩ như thế, khi viết trong Báo cáo trình Quốc hội số lượng vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện và điều tra chưa tương xứng với thực tế tham nhũng xảy ra. Chính phủ đã chỉ ra các địa chỉ tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đó là những nơi tập trung nhiều tiền của của nhà nước, của nhân dân. Như vậy, đúng là tham nhũng vẫn đang tiếp tục thách thức Đảng, nhà nước và nhân dân, tôi nhấn mạnh từ "nhân dân" ở đây vì tham nhũng đánh vào tình cảm, niềm tin và cả danh dự của nhân dân Việt Nam”, đại biểu Nhã nhấn mạnh.

“Cần phải diệt, không phòng, chống gì nữa!” 

“Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Lâu nay nhiều người dùng từ cuộc chiến chống tham nhũng nhưng theo tôi cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu đã xảy ra thì cũng chưa quyết liệt lắm”, đại biểu Trần Đình Nhã đề xuất. 

Đại biểu Trần Đình Nhã
Đại biểu Trần Đình Nhã: "Tham nhũng đánh vào tình cảm, niềm tin và cả danh dự của nhân dân Việt Nam."

Và để chính thức bước vào cuộc chiến này, theo đại biểu Đỗ Văn Đương (tp Hồ Chí Minh): Trước mắt, ta nên bàn biện pháp thực hiện. Cần mở cuộc vận động cao điểm để cán bộ công chức tiết chế lòng tham. Cần mở cuộc vận động từ chức đối với Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh – những nơi mà khiến người dân đang bức xúc.

“Phấn đấu chức quyền là khó, giữ chức càng khó hơn, nhưng dám từ chức mới thực sự là anh hùng”, đại biểu Đương nói. Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Đương, cần thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập. Thanh tra cũng cần độc lập như Kiểm toán, Thanh tra nên là thanh tra nhà nước chứ không phải thanh tra Chính phủ.

Ý kiến thành lập một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập cũng được đại biểu Trương Thị Yến Linh, Cà Mau, đồng tình. Bà nói: “Quốc hội có thể thành lập Ủy ban đặc biệt lâm thời đấu tranh phòng, chống tham nhũng.” Ngoài ra, theo bà Linh, cần phải bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng, chống tham nhũng chuyên sâu hơn, chuyên trách hơn.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Bình Thuận, để triển khai thực hiện các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ cần chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt hơn các giải pháp phòng, chống tham nhũng mà Chính phủ đã đề ra trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác minh xử lý đối với các vụ việc tham nhũng cần xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, không để kéo dài mất lòng tin trong nhân dân. 

“Qua tiếp xúc cử tri, cần phải diệt, không phòng, chống gì nữa. Cử tri đề nghị Trung ương, Quốc hội phải có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn đối với vấn đề này”, Đại biểu Nguyễn Thị Phúc khẩn thiết. 

Đại Đặng Minh Châu (Thích Bảo Nghiêm) - TP Hà Nội – cũng đưa ra giải pháp rất đơn giản: Nếu Trung ương làm kiên quyết, làm nghiêm minh, làm thực sự từ trên làm xuống, lựa chọn một số lĩnh vực đang rất bức xúc để làm chuyển biến thì sẽ có sức lan tỏa và hiệu quả rất nhanh chóng. Muốn chống giặc tham nhũng phải có đội quân nòng cốt. Vai trò lãnh đạo chỉ đạo của Đảng thì rõ rồi nhưng cơ quan chống tham nhũng hiện nay của chúng ta đang bị chia cắt và yếu ớt. Nếu không được tổ chức lại thành một cơ quan có sức đủ mạnh, đủ quyền, đủ tầm được lãnh đạo chặt chẽ thì phòng, chống tham nhũng vẫn chỉ là mong muốn, là quyết tâm chính trị mà thôi”.

“Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Tôi đề nghị Quốc hội nhân đây bàn kỹ hơn về cuộc chiến này và phương án tác chiến hiệu quả hơn, vỏ quýt dày thì móng tay phải nhọn. Muốn thắng được tham nhũng tôi đề nghị đã đến lúc phải thay đổi cách đánh và cả người đánh, về cách đánh tôi đề nghị phải như đánh tội xâm phạm an ninh quốc gia, có nghĩa là điều tra, truy tố, xét xử một kẻ xâm phạm an ninh quốc gia, một tên gián điệp, một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố thì cũng được phép áp dụng biện pháp đó để điều tra kẻ tham nhũng... Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng”, đại biểu Trần Đình Nhã đề xuất tiếp.

Với đại biểu Nguyễn Thị Khá (Tám Khá) - Trà Vinh – chống tham nhũng khá đơn giản khi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đưa ra phải bảo đảm cho được 3 không đó là: không muốn, không thể, không dám: Không muốn tham ô, tham nhũng vì họ đã có thu nhập ổn định, gia đình hạnh phúc, nệm ấm chăn êm; Không thể làm trái, làm sai, vi phạm pháp luật vì pháp luật Việt Nam đã được điều chỉnh một cách chặt chẽ, không tạo kẽ hở, không tạo điều kiện, không ai tiếp tay cho họ làm sai.

Nếu vi phạm thì phải được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không bao che, phải thu hồi cho được tất cả tài sản từ phạm tội tham ô, tham nhũng mà có. "Phải làm cho pháp luật Việt Nam sớm đi vào cuộc sống, đừng để bọn tội phạm nghĩ rằng họ có thể hy sinh bản thân mình để gia đình họ an nhàn", bà Khá nói.

 Nhật Thanh

Đọc thêm