Tham vấn hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em

(PLVN) - Ngày 3/4, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam giai đoạn 2022-2026, Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – UNICEF 2022-2026, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự về phòng, chống xâm hại người chưa thành niên”.
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Nhức nhối vấn nạn bạo lực với trẻ em

Chào mừng đại biểu tham dự Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh, việc trẻ em được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại, bỏ mặc và bóc lột là một quyền cơ bản của quy định trong Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp quốc. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định “Nhà nước nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự đều đã có quy định bảo vệ người dưới 18 tuổi khỏi các hành vi xâm hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn nạn bạo lực đối với người chưa thành niên (NCTN) đã, đang và vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối. Vấn đề xâm hại trẻ em thường khó bị phát hiện vì thường diễn ra sau những cánh cửa đóng kín.

Nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự về phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ Tư pháp đã xây dựng Báo cáo Nghiên cứu về pháp luật hình sự và tố tụng hình sự về bảo vệ trẻ em bị bạo lực. Qua nghiên cứu chuẩn mực và thực tiễn quốc tế cho thấy, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam cũng như thực tiễn hoạt động của các cơ quan tố tụng tư pháp hình sự chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Công ước quyền trẻ em trên các phương diện bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại, bỏ mặc và bóc lột. Các biện pháp này chưa đủ hoặc chưa đủ mạnh do chưa dự liệu hết các hành vi và các quan hệ xã hội cần điều chỉnh.

Mặt khác, sự phát triển của công nghệ và sự phát triển nhanh chóng các trang mạng xã hội cũng làm cho tình hình phạm tội liên quan đến mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em trở nên phức tạp. Thực trạng đó đòi hỏi có những thay đổi về quan niệm, định nghĩa lại các thuật ngữ, khái niệm liên quan để bảo vệ trẻ em tốt hơn, đồng thời thúc đẩy tội phạm hóa các hành vi do các chủ thể thực hiện ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau...

Bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ thêm, so sánh với pháp luật một số quốc gia cũng như chuẩn mực quốc tế cho thấy pháp luật hình sự Việt Nam còn thiếu một số quy định như chưa có tội danh về mồi chài, dụ dỗ và lôi kéo trực tuyến người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi xâm hại tình dục; hình phạt chưa đủ nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại và ngược đãi người dưới 18 tuổi.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chia sẻ một số thông tin về Báo cáo Nghiên cứu của Bộ Tư pháp.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chia sẻ một số thông tin về Báo cáo Nghiên cứu của Bộ Tư pháp.

Đối với quy trình tố tụng và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng như thực tiễn xử lý mới đang dần tiếp cận hoặc có xu hướng tiếp cận chuyên biệt để giải quyết các vụ án liên quan đến người bị hại và người làm chứng chưa thành niên nhưng còn thiếu cách thức, biện pháp để thực hiện mục tiêu, phương thức thủ tục tố tụng nhạy cảm, tăng cường các biện pháp và phương thức tiếp cận pháp lý nhạy cảm.

Theo đó, các tiêu chuẩn tố tụng hình sự, quy trình cũng cần được nghiên cứu sửa đổi để có tính nhạy cảm hơn với NCTN, có tính đến hoàn cảnh cá nhân, nhu cầu, tuổi tác, giới tính, khuyết tật và mức độ trưởng thành của trẻ em, bảo đảm tôn trọng tối đa thể chất, tinh thần, đạo đức của trẻ em, bảo vệ cao nhất và vì quyền lợi của trẻ em. Trong tố tụng hình sự, các nguyên tắc ứng xử với trẻ em phải khác biệt so với người lớn như các vấn đề điều tra nhạy cảm, thông tin, hỗ trợ, trợ giúp, các vấn đề về quyền riêng tư.

Báo cáo Nghiên cứu đã đề xuất 19 kiến nghị cụ thể. Bên cạnh đó, cũng đề xuất liên quan đến sửa đổi Luật Trẻ em với kiến nghị về nâng độ tuổi từ 16 lên 18 tuổi. Liên quan đến tố tụng hình sự thì còn có vấn đề xét xử kín, trang phục của thẩm phán để thân thiện với trẻ em, quá trình điều tra nhạy cảm với NCTN, vai trò của nhân viên công tác xã hội, phòng xử án thân thiện... để bảo vệ cao nhất đối với trẻ em.

Bảo vệ trẻ em khỏi mọi hành vi lạm dụng, xâm hại

Điều phối viên Cơ quan Phòng, chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) Samuel Juett ghi nhận, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự Việt Nam về phòng, chống xâm hại NCTN vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; đồng thời, Việt Nam đang tăng cường thực thi cam kết của mình về cải thiện cuộc sống của trẻ em trai và trẻ em gái. Ông Juett khuyến nghị Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em ngày càng thân thiện hơn nữa và tin tưởng cùng với quá trình cải cách pháp luật, tư pháp thì hệ thống tư pháp NCTN sẽ bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em, bảo vệ các em khỏi mọi hành vi lạm dụng, xâm hại.

Các đại biểu nghe chuyên gia UNICEF trao đổi kinh nghiệm qua cầu truyền hình.

Các đại biểu nghe chuyên gia UNICEF trao đổi kinh nghiệm qua cầu truyền hình.

Trao đổi qua cầu truyền hình, chuyên gia UNICEF - TS Shelly Anne Casey nhấn mạnh, để người bị hại chưa thành niên tham gia hiệu quả vào quá trình tố tụng, quy trình tố tụng hình sự tiêu chuẩn của một quốc gia cần phải được điều chỉnh để nhạy cảm hơn với NCTN. Nêu hướng dẫn của Liên Hợp quốc về việc trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương và cần có sự bảo vệ đặc biệt phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu đặc biệt của từng cá nhân, bà Casey khuyến nghị pháp luật các nước nên cho phép khởi tố đối với bất kỳ tội danh nào về xâm hại NCTN theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, luật pháp nên quy định thực hiện các biện pháp ngăn NCTN tiếp xúc với thủ phạm…

Sau một ngày thảo luận sôi nổi, tâm huyết, đại diện các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến hoạt động tư pháp cho NCTN nói riêng và bảo vệ trẻ em nói chung đã đóng góp nhiều ý kiến về lý luận cũng như thực tiễn cho Báo cáo Nghiên cứu của Bộ Tư pháp, cũng như những kiến nghị hoàn thiện chính sách của các cơ quan chức năng có liên quan đến vấn đề tư pháp NCTN trong thời gian tới đây. Các đại biểu thống nhất khá cao về tiếp cận hoàn thiện pháp luật theo hướng thân thiện với NCTN, lưu ý yếu tố nhạy cảm để bảo vệ trẻ em tốt nhất.

Các chuyên gia cũng đề nghị quan tâm đến các quyền của trẻ em, bảo vệ cho không chỉ trẻ em bị xâm hại, là người bị hại, người làm chứng mà cả trẻ em là bị can, bị cáo, tội phạm chưa thành niên và mong rằng các vấn đề sẽ được xử lý tổng thể trong dự thảo Luật Tư pháp NCTN (đang được TANDTC đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024).

Đọc thêm