Đã tích cực tận dụng Hiệp định
Chín tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) cả nước đạt 202,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng XK góp phần giúp Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có sự phục hồi ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong đó, XK của Việt Nam sang thị trường EU được đánh giá tích cực nhờ EVFTA đi vào thực thi. Trong tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực (tháng 8/2020), tổng XK của Việt Nam sang thị trường EU và Anh đạt 3,77 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Đà tăng này tiếp tục trong tháng 9, khi XK của Việt Nam sang thị trường này là 3,54 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thủy sản là mặt hàng tận dụng được ưu đãi ngay từ những ngày đầu tiên EVFTA có hiệu lực. Tính từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, XK thủy sản sang thị trường EU và Anh đạt khoảng 263 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2 tháng năm trước.
Một số mặt hàng có kim ngạch bắt đầu tăng từ đầu tháng 9 như gạo, nhờ tận dụng hạn ngạch thuế quan theo EVFTA, kim ngạch XK tháng 9 đạt 1,74 triệu USD, tăng 168% so với tháng trước. XK giày dép, mặc dù tiếp tục chịu tác động lớn của việc sụt giảm nhu cầu do đại dịch Covid-19, cũng bắt đầu ghi nhận kim ngạch tăng trưởng nhẹ trong tháng 9, đạt 307,07 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (XNK - Bộ Công Thương), đến ngày 12/10/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra các doanh nghiệp (DN) XK hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD.
Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh Quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Diện mặt hàng XK khá rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực từ các sản phẩm công nghiệp như dệt may, giày dép, nhựa và các sản phẩm nhựa, đồ điện tử, đến các loại nông sản, thủy sản, rau quả và các sản phẩm mây tre, đan,...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, số liệu cấp C/O trong 2 tháng đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực phần nào thể hiện sự quan tâm và vào cuộc tích cực của DN khi đã nhận thấy lợi ích từ Hiệp định và đã tận dụng cơ hội này để thúc đẩy XK sang thị trường EU. Đáng chú ý, mặt hàng xin cấp chứng nhận khá đa dạng, chứng tỏ DN ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực đã có sự quan tâm đến ưu đãi từ Hiệp định.
Cẩn trọng với điều khoản về quy tắc xuất xứ
“Đây là thị trường tiềm năng chưa được các DN Việt Nam khai thác sâu, nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc thâm nhập thị trường EU chưa bao giờ là dễ dàng, dù với mức ưu đãi thuế rất cao mà EU cam kết trong EVFTA. Bởi lẽ DN Việt Nam cần đáp ứng nhiều quy định khác về các hàng rào phi thuế quan của EU, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hoá” - ông Khánh nói.
Do đó, trong thời gian tới, một trong những việc các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi XK vào EU.
Ngoài ra, theo đại diện Cục XNK, do quy tắc xuất xứ trong EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, các DN Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước.
Bên cạnh đó, DN cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của đối tác EU để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như mở rộng thị trường tới những nước EU mà trước đây chưa hoặc ít khai thác.
Tuy nhiên, đại diện Cục XNK cho rằng, trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa XK Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nhưng đây cũng là điểm dễ bị lợi dụng nếu sản phẩm của nước ngoài chỉ gia công đơn giản tại Việt Nam (lắp ghép, đóng gói) nhằm mượn xuất xứ Việt Nam. Việc này có thể sẽ gây bất lợi cho hàng hóa XK của Việt Nam khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Do đó, DN cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để chứng minh được xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu hậu kiểm, đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được hải quan EU chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA.