Thận trọng khi “khoe” con trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng, đồng thời sử dụng công cụ chọn lọc nội dung để bảo vệ tối đa trẻ trên môi trường mạng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Thời gian qua, nổi cộm tình trạng các đối tượng lừa đảo gọi điện cho phụ huynh thông báo con họ đang cấp cứu trong bệnh viện, cần chuyển tiền để bác sĩ mổ gấp, cho thấy một thực tế là nguy cơ bị tổn hại trên mạng xã hội (MXH) đối với trẻ em cũng ngày càng gia tăng, diễn ra ở mọi khu vực, từ đô thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo… Thời điểm nghỉ hè đang đến gần, cũng là lúc trên các trang MXH tràn ngập các tấm giấy khen của trẻ em được bố mẹ đăng lên với đầy đủ thông tin cá nhân, trường lớp…

Tại Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức ChildFund Việt Nam tổ chức mới đây, chia sẻ về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, theo thống kê, tỷ lệ sử dụng Internet ở trẻ từ 12 đến 17 tuổi là rất cao, chiếm 93% ở thành thị và 88% ở nông thôn. Trong đó, trẻ em gái sử dụng Internet chiếm tới 89%. Đặc biệt, trẻ tiếp cận qua phương tiện là điện thoại thông minh chiếm tới 98%.

Cũng theo bà Đinh Thị Như Hoa, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng. Trong đó, chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách vô tư, thiếu kiểm soát trên MXH, forum diễn đàn… đôi khi là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

Về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho rằng thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng lừa đảo gọi điện báo con trẻ cấp cứu, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Vấn đề là những thông tin rất riêng ở đâu ra để đối tượng lừa đảo lợi dụng? Thực tế cho thấy, chính là từ những bằng khen, bảng điểm, hay những hình ảnh mà vô tình bố mẹ đã chia sẻ trên MXH. Không ít bố mẹ vẫn vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin con học trường nào, đang có hoạt động gì, thậm chí còn định vị địa điểm của con đăng tải lên MXH.

“Chính cha mẹ, người thân trong gia đình cần phải chủ động bảo vệ con em mình trên môi trường mạng. Phụ huynh cũng cần phải học cách làm cha mẹ, chủ động tìm hiểu nâng cao nhận thức, kiến thức, cách thức để bảo vệ con em mình tốt hơn trên môi trường internet; cũng như hướng dẫn con khai thác tốt thế mạnh của công nghệ, đồng thời hạn chế con em tiếp xúc với thông tin xấu độc trên mạng”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, theo báo cáo của UNICEF năm 2022, 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng. Trẻ em thường vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm ở quảng cáo trên mạng (58%), trên MXH (46%).

Theo bà Đinh Thị Như Hoa, nguy cơ trẻ em vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng, MXH là rất cao. Trên thực tế, nội dung khiêu dâm có ở khắp nơi trên môi trường mạng, vì vậy việc chặn các trang web khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả. Các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lý hình ảnh và văn bản, còn việc xử lý video đòi hỏi công nghệ phức tạp, hầu như không có công cụ chặn lọc video. Trẻ em cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả chặn lọc nội dung. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng, đồng thời sử dụng công cụ chọn lọc nội dung để bảo vệ tối đa trẻ trên môi trường mạng.

Đọc thêm