Thận trọng khi lựa chọn giám khảo gameshow truyền hình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, không ít gameshow truyền hình chạy theo lượng xem, “chiêu trò” mà không chú trọng đến sự phù hợp của giám khảo, khiến chương trình mất điểm, thậm chí phản cảm trong mắt khán giả.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

“Trò lố” trên sóng truyền hình

“Chiêu trò” dường như được nhiều gameshow truyền hình sử dụng để thu hút lượng xem. Có những chương trình đáng ra có thể chinh phục khán giả bằng kiến thức hoặc tài năng của thí sinh nhưng lại “câu view” bất chấp bằng các câu chuyện “drama” của giám khảo, huấn luyện viên, khiến chương trình giảm chất lượng, phản cảm.

Có thể dẫn chứng những sự cố xảy ra trong một số cuộc thi truyền hình thực tế gần đây để thấy rằng, một phần không nhỏ của những “trò lố” trong chương trình lại đến từ những người ngồi “ghế nóng”. Như sự cố mới đây trong chương trình The Face Vietnam. Sau 5 năm vắng bóng, ngay từ tập đầu tiên lên sóng trở lại, chương trình đã bị khán giả phản ứng vì màn tranh cãi gay gắt giành chỗ đứng của dàn huấn luyện viên. Cặp đôi nữ huấn luyện viên M.Tr. (người mẫu) và K.D. (hoa hậu) nổi tiếng thân thiết ở ngoài đời đã đòi bỏ quay nếu không được đứng cạnh nhau chụp ảnh trong chương trình. Mặc dù nhà sản xuất đã khẳng định đây chỉ là tình huống ngoài ý muốn, không dàn dựng, nhưng lại dành nhiều thời lượng của một tập cho cảnh quay về việc các huấn luyện viên giành chỗ, thay vì tập trung giới thiệu thí sinh và tài năng của họ. Cũng trong một tập khác của chương trình này, huấn luyện viên - người mẫu V.T.P. bị cho rằng “làm lố” khi liên tục khóc lóc và có thái độ tiêu cực như chèn ép, gây khó dễ cho thí sinh lẫn các giám khảo khác.

Cạnh đó, một số gameshow còn chuộng “chiêu trò” như để giám khảo đùa vô duyên, phản ứng quá khích như la hét, quỳ lạy nhau, hoặc chơi khăm, nói xấu nhau... Liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình những màn giành giật thí sinh về đội mình,

lôi khuyết điểm về tính cách, ngoại hình của giám khảo, huấn luyện viên đồng nghiệp ra chế giễu. Nhiều huấn luyện viên trong quá trình lôi kéo thí sinh về đội mình đã “thổi phồng” năng lực của bản thân và chê huấn luyện viên khác, coi đây như một phần của trò chơi.

Cần tôn trọng khán giả

Một “lỗi” thường gặp trong các gameshow truyền hình nữa là giám khảo “ngồi nhầm ghế”. Không ít chương trình thực tế chọn giám khảo không liên quan gì đến chuyên môn mà vì độ “hot” hoặc khả năng tạo kịch tính. Nhiều giám khảo đã “góp phần” gây tranh cãi cho chương trình do những đánh giá “không chuyên” của họ.

Một số chương trình lại khiến khán giả phàn nàn vì cách chọn giám khảo “khó hiểu”, như một nữ ca sĩ mới qua tuổi thiếu niên đã ngồi ghế nóng chương trình hẹn hò, hoặc nam diễn viên hài làm giám khảo một cuộc thi tài năng âm nhạc, người mẫu lại chấm điểm thi diễn xuất...

Một nhạc sĩ có tiếng, từng tham gia làm giám khảo và sau đó rút lui khỏi các chương trình truyền hình thực tế chia sẻ với báo chí, đôi khi nhà sản xuất các chương trình này “không quan tâm lắm” đến chất lượng thật sự của giám khảo, không đòi hỏi giám khảo là những nhà chuyên môn giỏi mà chỉ chú ý thỏa mãn các yêu cầu khác của thị trường như độ nóng hổi của tên tuổi, khả năng tạo ra tranh cãi, tính hoạt ngôn...

Vị nhạc sĩ này còn tiết lộ, ở không ít chương trình, giám khảo còn được “phân vai”, hiền lành hay đanh đá, biết điều hay quá quắt đôi khi cũng nằm trong kịch bản dành cho giám khảo. Cũng theo nhạc sĩ trên, chương trình giải trí luôn có vài yếu tố mang tính “câu view”, tuy nhiên, nên dành cho ban giám khảo một chất lượng nhất định. Chất lượng của các giám khảo trong gameshow truyền hình có vai trò quan trọng trong việc xác định đẳng cấp chương trình, sự thành công của chương trình và trải nghiệm của khán giả. Các chương trình truyền hình nên chú trọng đến các yếu tố như kiến thức chuyên môn, sự khách quan, bản lĩnh ngồi ghế nóng... của giám khảo. Đó cũng là cách họ tôn trọng chương trình của chính mình, tôn trọng khán giả.

Đọc thêm