Tân niên hoan hỷ
Những ngày đầu xuân, chị Vui (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vặn đồng hồ báo thức để sát tai chồng, ấy vậy mà tiếng chuông réo liên hồi không khiến chồng chị tỉnh giấc. Phải mất nửa tiếng chị “rát cổ mỏi họng”, chồng chị Vui mới loạng choạng đứng dậy trong bộ dạng thiếu ngủ.
Trước vài ngày, chị Vui đã “cảnh báo” anh Thanh - chồng chị hạn chế nhậu nhẹt giữ sức khỏe để đi làm. Nhưng ngày Tết, lời của chị như gió thoảng bên tai trong tiếng chúc tụng, cụng ly của bạn bè.
Đi đến đâu, vợ chồng chị cũng nghe câu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, nên dù ở nhà hay lên cơ quan, hai vợ chồng chị cũng chỉ loanh quanh chúc tụng. Vậy là, dù còn một đống việc để lại từ trước Tết, hai vợ chồng chị vẫn cứ gác lại để mai tính! Mà đâu chỉ có mình chị, hầu hết các đồng nghiệp cũng đang hưởng ứng điều đó.
Vì nhậu triền miên nên những ngày đầu đi làm, anh Thanh luôn trong trạng thái đờ đẫn. Khí thế ngày đầu đi làm để cả năm hanh thông dường như biến mất…Vậy nên, sau khi đảo qua cơ quan điểm danh, anh luôn cố gắng nghĩ ra hàng trăm lý do để “chuồn” về nhà ngủ. Đối với anh, việc lơ mơ ấy chẳng có gì đáng ngại bởi, dù có chệch choạc, mải vui, trốn việc những ngày sau Tết nhưng anh có cả một tập thể hưởng ứng.
Mà đâu chỉ có cánh mày râu mới “bê tha”, phái nữ như vợ anh và mấy cô bạn cũng không kém phần “long trọng”. Những ngày đi làm sau Tết là dịp để các chị em nháy nhau đi khai xuân. Hôm nay ở nhà người này, mai ở nhà người khác cho việc giao lưu ngày thêm khăng khít. Và rồi, họ nối nhau ăn vòng quanh như trả nợ miệng, liên hoan liên miên. Cơ quan vài chục người thì ít ra cũng hơn chục lượt tranh thủ buổi trưa đến nhà nhau. Giờ nghỉ trưa ngắn ngủi được kéo dài cho tới tận chiều mới “hạ màn”.
Khi cái bụng đã no, các chị em lại thích trổ tài ca hát. Không biết có phải vì lý do đó không mà những quán karaoke từ bình dân tới cao cấp những ngày sau Tết đều đông nghẹt người, không đặt phòng trước thì chẳng mấy nơi còn chỗ trống. Họ hát quên trời, quên đất, quên cả giờ đón con, nấu nướng bữa cơm chiều.
Câu chuyện của vợ chồng anh Thanh, chị Vui không chỉ là hiện tượng cá biệt mà đó là thực trạng chung của một bộ phận cán bộ, công chức “không hề nhỏ”. Thậm chí, ngay cả một số doanh nghiệp tư nhân cũng xuất hiện kha khá các nhân viên làm việc với tâm thế “khai xuân”, đến cơ quan đầu năm chỉ để giao lưu.
Phổ biến nhất là hiện tượng cán bộ, công chức đến cơ quan gặp mặt rồi lại mang bia, rượu ra chúc mừng nhau. Hết màn chào hỏi ấy thì từng nhóm lại mời nhau về nhà hoặc đi thẳng ra quán. Họ lại góp thêm vào lượng người tham gia giao thông trên các ngả đường khiến phố phường thêm ách tắc. Đầu giờ chiều trở lại công sở với tâm trạng uể oải.
Một công chức ở TP Hà Nội chia sẻ rằng: “Mặc dù không có quy định được nghỉ nhưng đầu năm mỗi người đi một nơi, người thì đi chúc Tết, người thì đi gặp bạn bè ăn tân niên. Không khí Tết phải kéo thêm vài ba ngày nữa...” .
Một số công chức không nghiêm túc làm việc trong những ngày làm việc đầu tiên mà chỉ tranh thủ đi lễ chùa cầu tài lộc. |
Bỏ việc đi cầu tài lộc
Trong khi các cơ quan, công sở vắng vẻ thì tại hầu hết các đền, chùa, khu di tích nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, chùa Hương (Hà Nội) chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Yên Tử (Quảng Ninh)… nơi nào cũng đông nghịt người đến lễ bái. Đã hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cả tuần, nhưng tại các đền, chùa người đi lễ đông như mở hội. Một người dân sống cạnh chùa Hương cho biết: “Đầu năm mọi người thường dâng sao giải hạn, phải đi đăng ký với nhà đền, nhà chùa cho kịp thời gian. Rồi từ cách ăn mặc, đi xe của họ cũng dễ nhận thấy rất nhiều nhân viên công sở. Người thì lấy cớ ra ngoài có việc, người thì tranh thủ đi lễ chùa lấy lộc…”.
Trong khi đó, trước Tết, Thủ tướng đã gửi công điện gửi các bộ, ngành, địa phương đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017: “Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ”. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm mới Đinh Dậu (ngày 3/2), Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh, bất cứ cán bộ, công chức nào trong giờ hành chính mà đi lễ hội, bất cứ cơ quan nào sử dụng xe công đi lễ hội đều sẽ bị xử lý nghiêm.
Vậy mà, sự kiện nửa Sở Y tế tỉnh Bình Định “trốn việc” ra tận Hưng Yên để xem hội, cầu tài lộc mới thấy thế nào là “nước đổ lá khoai”. Và khi bị dư luận lên án, ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế Bình Định vẫn cố gắng bào chữa rằng: “Theo giấy mời của Bộ Y tế, đoàn cán bộ và nhân viên của Sở đi Hưng Yên tham dự Lễ giỗ Hải Thượng Lãn Ông do Bộ Y tế tổ chức.
Theo giấy mời có giám đốc sở và các trưởng, phó phòng có liên quan là 6 - 7 người. Một số xin nghỉ phép để đi cùng, tổng cộng là 22 người”. Trong khi thực tế, giấy mời của Bộ Y tế có yêu cầu mỗi đơn vị cử 2 đại biểu nhưng chuyến đi dự lễ hội của Sở Y tế Bình Định lại vượt nhiều lần về số người tham gia.
Không chỉ ở các địa phương, ngay tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng “trốn việc” tranh thủ đi lễ, đi xem hội cũng diễn ra. Mặc dù trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, do có chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, hầu hết các công sở trên địa bàn TP Hà Nội đều mở cửa làm việc trở lại. Tuy nhiên, vẫn mang nặng tính hình thức, chỉ một số cán bộ, công chức bị phân công trực nên phải ngậm ngùi ngồi lại cơ quan, trong khi số còn lại chỉ đến cơ quan điểm danh, chúc tụng, nhận lì xì rồi nhanh chóng “chuồn”, bỏ lại công việc phía sau.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày làm việc đầu tiên, cả một UBND phường ở quận Hai Bà Trưng gần như trống không. Bộ phận một cửa chỉ còn một cán bộ tiếp dân, bởi toàn bộ lãnh đạo, cán bộ phường sau khi chúc Tết đã nhanh chân đi khai hội chùa Vua. Hay như sự kiện hai xe công của Bảo hiểm xã hội Hà Nội ngạo nghễ đi lễ chùa tại Hưng Yên trong giờ làm việc cũng là một minh chứng cho các công chức vẫn đang “say đắm” vui chơi.
Không chỉ các cán bộ, nhân viên cấp phường, xã có dấu hiệu xao nhãng công việc mà đến một số lãnh đạo cấp Bộ cũng tranh thủ giờ hành chính đi lễ chùa cầu may. Điển hình như các cán bộ thuộc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương) sử dụng xe công đi lễ đầu năm trong giờ làm việc khiến dư luận bức xúc…
Trước giờ dư luận vẫn ngán ngẩm tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “có phát mà không có động” hay những lệnh cấm trôi êm đềm vào dĩ vãng. Và trên con đường xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo, phục vụ thì ít nhất những chỉ lệnh của người đứng đầu Chính phủ phải được “tuyệt đối thực hiện nghiêm!”.