Đây là thắng lợi pháp lý đầu tiên đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi nhậm chức.
Phán quyết của Tòa Tối cao
Phán quyết trên của Tòa án tối cao đã bác bỏ phán quyết của một vài tòa phúc thẩm khu vực trước đây vốn ngăn chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền cho phép triển khai một phần sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lý giải cho quyết định này, Tòa án Tối cao cho biết, Chính phủ Mỹ có nhu cầu cấp bách phải đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, bao gồm cả việc đóng cửa biên giới dựa trên sự đánh giá của các nguy cơ từ bên ngoài, ít nhất từ bây giờ. Do đó, tòa án sẽ cho phép triển khai một số nội dung của sắc lệnh hạn chế nhập cảnh.
Cụ thể, những người được bảo lãnh bởi người thân trong gia đình, trường học hoặc nhà tuyển dụng vẫn có thể sang Mỹ. Bên cạnh đó, việc đình chỉ nhập cảnh 120 ngày vào Mỹ “đối với những cá nhân nước ngoài không chứng minh được quan hệ hợp pháp với một công dân hoặc một thực thể tại Mỹ” cũng được khôi phục.
Cùng với việc khôi phục một phần lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền, Tòa án sẽ tiến hành phiên lắng nghe các lập luận từ phía chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ tới của tòa án, theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào tháng 10, trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng liên quan tới sắc lệnh này.
Ngày 26/6, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ thi hành lệnh cấm của Tổng thống Trump theo một cách trật tự, phù hợp với yêu cầu của Tòa án tối cao và sẽ thông báo với các bên có liên quan về những thay đổi về việc nhập cảnh Mỹ.
Phản ứng trái chiều
Sau khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết, ngay lập tức đã vấp phải sự phản hồi trái ngược từ phía xã hội Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng hoan nghênh động thái trên của tòa án. Trong một tuyên bố được Nhà Trắng đăng tải, ông Donald Trump nhấn mạnh quyết định nói trên của Tòa án Tối cao là một chiến thắng rõ rệt đối với an ninh quốc gia. Ông Donald Trump gọi quyết định này như một công cụ giúp ông có thể bảo vệ nước Mỹ một cách hiệu quả.
Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép thực thi một phần sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ 6 nước có đa số dân là người Hồi giáo |
“Trách nhiệm lớn lao của tôi là phải bảo vệ sự an toàn cho người dân Mỹ. Phán quyết của tòa án là một công cụ quan trọng giúp tôi bảo vệ nước Mỹ. Tôi cực kỳ hài lòng về phán quyết của tòa án”, ông Donald Trump nói. Trong khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions thì cho rằng, nguy cơ an ninh quốc gia Mỹ là có thực và đang ngày càng nguy hiểm.
Phán quyết của tòa án là bước đi quan trọng hướng đến việc khắc phục tình trạng cát cứ quyền lực giữa các nhánh quyền lực của Chính phủ liên bang. Sau khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra quyết định nói trên, Bộ An ninh Nội địa nước này khẳng định sẽ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của chính quyền Donald Trump một cách hiệu quả và công khai.
Ngược lại, phe phản đối lại kịch liệt lên án quyết định của tòa án. Chủ tịch Ủy ban Giải cứu quốc tế (IRC) David Miliband đã kêu gọi Chính phủ Mỹ nhanh chóng đánh giá lại tiến trình hiệu chỉnh sắc lệnh trên. Theo ông Miliband, quyết định của tòa án đe dọa và làm tổn hại những người người dễ bị tổn thương khi đang chờ đợi để được vào Mỹ.
Chia sẻ quan điểm với Chủ tịch Ủy ban Giải cứu quốc tế, Giám đốc Truyền thông Cơ quan hỗ trợ nhân đạo Mỹ Kim Poazniak nhấn mạnh: “Nước Mỹ là một quốc gia kiểu mẫu, một quốc gia tiên phong mà các quốc gia khác phải nhìn vào xét trên phương diện tiếp nhận người nhập cư và sự hỗ trợ của Mỹ đối với những người cần được hỗ trợ.
Vì vậy tôi cho rằng lệnh hạn chế nhập cư là một biểu tượng đối ngược. Nước Mỹ nên đi đầu trong nỗ lực tiếp nhận người tị nạn và nhập cư đúng như lịch sử của nước Mỹ”.
Yemen, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng từ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Tòa án Tối cao. Một quan chức thuộc Bộ Các vấn đề về người định cư ở nước ngoài của Yemen, ông Ahmed al-Nasi cho rằng quyết định trên sẽ không giúp ích trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, trái lại nó sẽ khiến những nước Hồi giáo có liên quan cảm thấy họ đang trở thành mục tiêu.
Tin tốt cho Tổng thống D.Trump
Trước đó, ngày 6/3/2017, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh nhập cảnh sửa đổi do sắc lệnh đầu tiên vấp phải nhiều phản đối. Sắc lệnh sửa đổi cấm công dân 6 nước Hồi giáo gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày và đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày.
Riêng Iraq, nước có trong danh sách lệnh cấm trước đó, đã được loại khỏi danh sách mới này, sau khi Iraq đồng ý về các biện pháp rà soát thị thực bổ sung. Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên.
Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép thực thi một phần sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ 6 nước |
Công dân 6 nước trong danh sách mới nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) và những người hiện đang có thị thực hợp lệ thì cũng không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh mới này. Tổng thống Trump cho rằng, sắc lệnh nhập cư sửa đổi được ban hành nhằm đảm bảo nước Mỹ và công dân Mỹ được an toàn hơn.
Sắc lệnh này được đánh giá là có nhiều điều chỉnh “mềm mỏng” hơn so với sắc lệnh cũ được công bố vào ngày 27/1/2017. Tuy nhiên, giới chức Tư pháp các bang của Mỹ cho rằng, dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định. Nhiều tòa án tại Mỹ đã liên tiếp ra phán quyết ngăn chặn việc triển khai sắc lệnh trên.
Theo giới quan sát, dù không hẳn đã trọn vẹn nhưng phán quyết lần này của Tòa tối cao được coi là một tin tốt đối với Tổng thống Donald Trump sau 157 ngày lãnh đạo đất nước, đặc biệt trong bối cảnh mức tín nhiệm của ông liên tục lao dốc, xuống mức thấp kỷ lục. Nó còn là cứu cánh cho những cử tri cốt lõi ủng hộ Tổng thống Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ có 3 tháng tạm đóng cửa biên giới với một số quốc gia Hồi giáo trước khi ban hành quy định mới nhằm siết chặt quản lý việc ra vào nước Mỹ của các cá nhân đến từ khu vực mà họ coi là có nguy cơ cao về an ninh./.
Hoãn bỏ phiếu về dự luật thay thế Obamacare
Ngày 27/6, Thượng viện Mỹ đã lùi thời điểm tiến hành bỏ phiếu về dự luật thay thế và loại bỏ Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) đến sau ngày Quốc khách Mỹ 4/7.
Quyết định được đưa ra sau khi các nghị sĩ Cộng hòa phản đối dự luật thay thế Obamacare đã hội tụ đủ số phiếu để ngăn chặn văn kiện này tại Thượng viện. Đây được coi là thất bại của lãnh đạo phe đa số tại viện quốc hội này, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, người đang nỗ lực thúc đẩy việc phê chuẩn dự luật trước khi các nhà lập pháp Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ mừng Quốc khánh.
Dự luật y tế mới dài 142 trang với các điểm chính bao gồm ngừng mở rộng Chương trình Chăm sóc sức khỏe của chính phủ dành cho người nghèo và người khuyết tật (Medicaid), song với tốc độ chậm hơn so với Dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) đã được Hạ viện thông qua tháng trước.
So với "người anh em" AHCA, dự luật của Thượng viện hỗ trợ về thuế rộng rãi hơn cho người thu nhập thấp, và hỗ trợ này dựa trên mức thu nhập của người mua bảo hiểm thay vì độ tuổi. Dự luật mới cũng sẽ cung cấp hàng tỷ USD cho các bang và các công ty bảo hiểm để thúc đẩy một số lĩnh vực của thị trường bảo hiểm vốn không được các công ty chú trọng.
Theo báo cáo công bố ngày 26/6 của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, sẽ có thêm 22 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế vào năm 2026 nếu dự luật do phe Cộng hòa bảo trợ nói trên được Đồi Capitol phê chuẩn.