Thành công của Việt Nam năm 2020 có sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ, doanh nghiệp Nhật Bản

(PLVN) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ: Những thành công trong năm 2020 của Việt Nam không thể không kể đến sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chiều 21/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, đã nhấn mạnh điều này khi cùng Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. 

Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương trong Đông Nam Á

Phát biểu khai mạc Hội nghị đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng cho biết, đây là hội nghị lần thứ 5 trong năm 2020 của Hội đồng với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và là hội nghị đối thoại lần đầu tiên với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau” và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng xã hội, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát trong cộng đồng.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc, trong đó nổi bật là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực với thặng dư thương mại cao, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong những tháng qua.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, mặc dù chưa có con số chính thức song qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,6-3%, là nước duy nhất tăng trưởng dương trong khu vực Đông Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh và được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế trong thời gian tới…

“Những thành công trên không thể không kể đến sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ.

3 mong muốn của Đại sứ Nhật Bản

Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, mặc dù trên thế giới dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Việt Nam đã đạt được thành công trong công tác chống dịch. Trong khi các nước vẫn đang nỗ lực chống dịch thì Việt Nam đã tăng trưởng dương, tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng năm 2020 đạt 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. 

“Trên thế giới chỉ có Việt Nam mới có thành công lớn như vậy”, Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nêu 3 vấn đề cần cải thiện
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nêu 3 vấn đề cần cải thiện

Đại sứ cũng nhận định, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển sâu sắc, minh chứng qua việc Thủ tướng Nhật Bản đã chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhận chức. Còn các nhà đầu tư, trong đó có Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam như là điểm đến đầu tư sau Covid-19.

Đại sứ Nhật Bản nêu 3 mong muốn liên quan đến các vấn đề: Việc đi lại giữa hai nước ngày càng cải thiện; cải thiện đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân các dự án; thúc đẩy hơn nữa việc cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, Đại sứ Nhật Bản cho biết Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện gói hỗ trợ 2,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng. Theo đó, Việt Nam đang đứng đầu khi có 37 doanh nghiệp quyết định đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ hai là Thái Lan với 19 doanh nghiệp.

Đại sứ Nhật Bản cũng tin tưởng cách ứng phó của Việt Nam trong chống Covid-19 và tin tưởng vào các chính sách trong điều kiện “bình thường mới” hiện nay.

Đọc thêm