Trao đổi với phóng viên PLVN Ông Nguyễn Văn Khanh (phố Khánh Tiến, phường Trung Sơn, Tp Sầm Sơn, Thanh Hoá) cho biết: Bãi rác khổng lồ đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân 5-6 năm nay. Không biết chúng tôi phải chịu đựng cảnh sống ô nhiễm như thế này đến bao giờ?
Nằm cạnh sông Đơ, cách bãi biển hơn km, bãi rác Sầm Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép xây dựng, sử dụng vào năm 1996 với tổng diện tích 2,7 ha, công suất 25 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên do sử dụng đã lâu, bãi rác này bị quá tải, dẫn đến ảnh hưởng môi trường nên năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đến nay, trung bình bãi rác Sầm Sơn phải tiếp nhận khoảng 135-150 tấn/ngày đêm. Do đó, bãi rác này đang bị quá tải. Trong khi đó, TP Sầm Sơn chưa có chỗ đổ, xử lý rác thải mới nên bãi rác vẫn tiếp tục hoạt động.
Hiện, người dân quanh khu vực bãi rác Sầm Sơn đang phải chịu mùi rác bốc lên hôi thối; đặc biệt vào những ngày trời mưa, rác thải bốc mùi hơn, làm cho nhiều người dân không thể ngủ được vào ban đêm. Trong khi đó, hồ chứa nước thải của bãi rác này cũng đã bị quá tải, gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Hữu Hào (75 tuổi) cho biết: trong các cuộc họp, đặc biệt trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên về việc ô nhiễm cũng như đề nghị phương án nâng cấp hoặc di dời bãi rác nhưng chính quyền vẫn bỏ ngỏ. Không thể chịu cảnh ngày đêm bãi rác "bức tử", 3 hộ dân sống xung quanh bãi rác đã bỏ nhà đi nơi khác sinh sống.
Nghiêm trọng hơn về mức độ ô nhiễm môi trường từ bãi rác khổng lồ nơi đây bà Lê Thị Thuận, phố Khánh Tiến, phường Trung Sơn, Tp Sầm Sơn cho biết: Ăn cơm chúng tôi phải mắc màn vì quá nhiều ruồi nhặng, ngày thì phải đeo khẩu trang hoặc đóng cửa vì mùi từ bãi quá thối. Đã không ít gia đình bỏ nhà cửa lại đi đến nơi khác sống vì bán không ai mua mà ở thì không chịu đựng nổi.
Về hướng giải quyết cho thực trạng trên, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết, rác thải ở Sầm Sơn đang là vấn đề nan giải, bãi rác đã quá tải nhưng giờ ngừng thì không biết sẽ đổ rác ở đâu. TP Sầm Sơn xin được đổ rác lên bãi rác Đông Nam (huyện Đông Sơn) nhưng không được vì bãi rác này cũng đang quá tải.
“Chúng tôi đã quy hoạch 1 bãi rác rộng khoảng 20 ha tại xã Quảng Minh, nếu được thông qua mới giải quyết được bài toán rác thải. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa đồng ý do quy hoạch phát triển Sầm Sơn không có vị trí xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, mà rác của Sầm Sơn sẽ được tập kết và xử lý tại Đông Nam. Mà ở đây nhà máy xử lý rác cũng chưa xây dựng xong, nên chúng tôi vẫn phải cho cải tạo bãi rác để tiếp tục tập kết về đây chứ chẳng còn cách nào khác”- ông Tuấn cho biết.
Không còn cách nào, UBND TP.Sầm Sơn lại đề nghị được cải tạo, tăng thời hạn sử dụng của bãi rác Sầm Sơn bằng cách đào thêm hố, dù chỉ là biện pháp tình thế. Vậy nhưng, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng không chấp thuận vì “Hiện tại, khu vực bãi rác Sầm Sơn nằm trong không gian quy hoạch khu sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí nên việc đầu tư cải tạo thêm hố chôn lấp là không phù hợp và cũng không có kinh phí cho việc cải tạo”.
|
Ông Lương Tất Thắng, chủ tịch UBND TP Sầm Sơn |
Ông Lương Tất Thắng, chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết: Sau khi tiếp nhận ý kiến của các hộ dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh bãi rác, phía UBND TP Sầm Sơn đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân. Hiện nay, sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải ở xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn đang khẩn trương triển khai các công việc tiếp theo.
Trong lúc chờ đợi chính quyền loay hoay để xử lý thì cuộc sống của người dân quanh bãi rác vẫn bị “bức tử” nghiêm trọng và đối mặt với hàng loạt hệ luỵ về sức khoẻ cộng đồng.