Những năm qua, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có sự phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu công chứng của các tổ chức, cá nhân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh. Xác định được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng, thời gian qua, Sở Tư pháp, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh, đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực công chứng.
Sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Công chứng, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã từng bước ổn định và phát triển. Thực hiện Quyết định 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3326/QĐ-UBND ngày 24/9/2013 về ban hành kế hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020.
Việc xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo đúng lộ trình; từ chỗ chỉ có 3 phòng công chứng (Phòng công chứng số 1, số 2 và số 3) trực thuộc Sở Tư pháp, đến nay, toàn tỉnh đã có 49 tổ chức hành nghề công chứng với 88 công chứng viên, hoạt động ở 22/27 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng những năm qua đạt được kết quả tích cực. Chỉ tính riêng năm 2019, tổng số các hợp đồng, giao dịch mà các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện gần 124.971 việc (trong đó 120.200 hợp đồng giao dịch); thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký 680.697 trường hợp. Thu phí công chứng, chứng thực hơn 31 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 3,6 tỷ đồng.
Từ khi triển khai thi hành Luật Công chứng và thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân, cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng công chứng; đánh dấu một bước tiến lớn trong việc cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Qua triển khai thực hiện, chất lượng, quy mô và tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề công chứng, trình độ đội ngũ công chứng viên trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao, phục vụ kịp thời nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia hợp đồng, giao dịch; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sở Tư pháp Thanh Hoá với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh, đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các Văn phòng công chứng theo đúng quy định, các tổ chức hành nghề công chứng phát triển có lộ trình phù hợp, được phân bổ hợp lý gắn với địa bàn dân cư. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quản lý hồ sơ công chứng trên địa bàn tỉnh, đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2020; trong đó bao gồm các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.
Để đảm bảo chất lượng hoạt động của các văn phòng công chứng, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 2804/2015/QĐ-UBND ngày 30/7/2015). Để tạo nguồn công chứng viên, năm 2019, Sở Tư pháp đã phối hợp với Học viện Tư pháp - Bộ Tư pháp mở lớp đào tạo nghề công chứng tại Thanh Hóa cho 93 học viên, đến nay đã sắp hoàn thành chương trình đào tạo.
Từ ngày 01/012019, thực hiện Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch; theo đó, quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng bị bãi bỏ; do đó việc thành lập Văn phòng Công chứng không còn bị giới hạn về số lượng văn phòng công chứng theo quy hoạch như trước đây. Để các tổ chức công chứng được thành lập ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh, không tập trung quá nhiều ở địa bàn thành phố, thị xã; ngày 26/8/2019, Sở Tư pháp có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để ổn định tình hình hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh trong điều kiện không còn quy hoạch.
Đồng thời, Sở Tư pháp đã tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện đúng quy định của pháp luật về công chứng; làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, cũng như tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản liên quan cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các tổ chức hành nghề công chứng, nhằm nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về công chứng; đồng thời tập huấn nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ công chứng viên; tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hành nghề công chứng, đồng thời qua thanh tra, kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những vi phạm xảy ra, đảm bảo thực hiện hành nghề công chứng đúng quy định pháp luật.
Ông Bùi Đình Sơn Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hoá |
Tuy nhiên, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại như: Các tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; chất lượng của đội ngũ công chứng viên tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn một số công chứng viên còn hạn chế về chuyên môn, kỹ năng hành nghề. Bên cạnh đó, việc kết nối thông tin trong cơ sở dữ liệu của các tổ chức hành nghề công chứng trong tỉnh và phạm vi cả nước với nhau, cũng như với cơ quan, đơn vị liên quan còn chưa chặt chẽ…
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Bùi Đình Sơn Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hoá cho biêt: Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh trên lĩnh vực công chứng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, quy tắc ứng xử, đạo đức hành nghề công chứng cho đội ngũ công chứng viên; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức hoạt động công chứng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót và có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục triệt để, đồng thời ban hành các chế tài xử lý mạnh đối với các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên vi phạm quy định của pháp luật. Thực hiện có hiệu quả Cơ sở dữ liệu về quản lý hồ sơ công chứng trên địa bàn tỉnh. Tham mưa cho UBND tỉnh ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng (thay thế Quyết định số 2804/2015/QĐ-UBND ngày 30/7/2015). Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng tại địa phương.