Thanh Hoá: Tăng cường triển khai có hiệu quả công tác dân số và phát triển trong tình hình mới

(PLVN) - Những năm gần đây, tốc độ gia tăng dân số nhanh trên toàn tỉnh Thanh Hoá cơ bản được khống chế, chất lượng dân số được nâng lên. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số ngày càng nâng cao.
Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho các tổ chức đoàn thể xã hội thuộc Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số.
Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho các tổ chức đoàn thể xã hội thuộc Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa. Năm 2023, dân số trung bình của tỉnh Thanh Hóa đạt 3.783.500 người; tỷ suất tăng dân số tự nhiên 9,7‰, tỷ số giới tính khi sinh 113,5 bé trai/100 bé gái, tỷ lệ sàng lọc trước sinh 67%, tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai là 101.880 người. Đến năm 2024, kết quả thực hiện các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tiến bộ đáng kể so với cùng kỳ năm trước: tỷ suất tăng dân số tự nhiên đạt 8,5 ‰ - giảm 1,2‰ so với năm 2023; tỷ số giới tính khi sinh 113,1 bé trai/100 bé gái - giảm so với năm 2023. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 68,2%. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 70%. Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh 17,9%. Tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 102.100 người. Tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn khám sức khỏe trước hôn nhân đạt 40.3%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ 01 lần/năm đạt 75%.

Dược sỹ chuyên khoa II Bùi Hồng Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian tới, Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung vào một số nội dung cụ thể sau: thứ nhất là tiếp tục thực hiện Đề án mở rộng tầm soát, điều trị bệnh tật trước sinh và sau sinh trên toàn tỉnh; thứ hai là tăng tỷ lệ tư vấn, khám sức khỏe trước khi hôn nhân cho các đối tượng; thứ ba là tăng cường truyền thông, giáo dục về dân số để giảm đáng kể tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân của huyết thống, tăng cường truyền thông tư vấn về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên; thứ tư là tăng tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong một năm".

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở kết quả đạt được về thực hiện công tác dân số trong giai đoạn vừa qua và tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 20/9/2024 chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.

Theo đó, tỉnh Thanh Hoá giao UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chủ trương, chính sách về công tác dân số trong tình hình mới, đưa chỉ tiêu về dân số vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; tiếp tục thực hiện giải pháp nhằm duy trì mức sinh thay thế bền vững; thực hiện tốt các chương trình, đề án đã phê duyệt về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể; các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai có hiệu quả công tác dân số và phát triển, từng bước thích ứng với tình trạng già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội; góp phần cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; người cao tuổi và các nhóm dân số đặc thù như người di cư, người khuyết tật, người nhiễm HIV... Bố trí ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành cho công tác dân số, cân đối hỗ trợ ngân sách cho Trung tâm Y tế cấp huyện và các xã, phường, thị trấn đủ đảm bảo thực hiện các hoạt động của Chương trình mục tiêu y tế dân số, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, ưu tiên đối tượng hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức về các dân số, thời gian qua, Chi cục Dân số tỉnh đã đổi mới nội dung và phương thức truyền thông phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đưa công tác truyền thông đến với từng nhà, từng thôn, xóm theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong thực hiện.

Cụ thể, trong năm 2024 tại các huyện, xã Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa tổ chức viết 620 bài tuyên truyền về giới, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh tại 310 xã, với 2.480 buổi phát thanh trên loa truyền thanh của 310 xã. Tổ chức 558 cuộc nói chuyện chuyên đề cho 27.900 người: ở 558 xã/ 27 huyện, thị, thành phố về mất cân bằng giới tính khi sinh và cung cấp thông tin về nghiêm cấm lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi. Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) phụ nữ không sinh con thứ 3 tại 558 xã/ 27 huyện, thị, thành phố về giới và bình đẳng giới: mỗi CLB tổ chức sinh hoạt 01 lần (559 buổi sinh hoạt với 27.950 phụ nữ sinh con một bề là gái tham gia).

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về dân số và báo cáo thống kê cho cán bộ làm công tác dân số cấp xã năm 2024 (Ảnh: BTH)

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về dân số và báo cáo thống kê cho cán bộ làm công tác dân số cấp xã năm 2024 (Ảnh: BTH)

Tổ chức 27 cuộc hội nghị cung cấp thông tin về Dân số và phát triển, các văn bản chính sách liên quan đến dân số cho các đối tượng là lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, cán bộ ban ngành đoàn thể, ban chỉ đạo công tác Dân số cấp huyện, người thực hiện nhiệm vụ làm công tác dân số với tổng số người tham gia là 1.620 người. Viết 1.118 bài phát thanh tuyên truyền về dân số và phát triển; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 02 con”; vận động sinh ít con ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; vận động sinh đủ 2 con ở những nơi mức sinh thấp; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh; thực hành về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ), SKSS vị thành niên, thanh niên, tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...trên loa truyền thanh của các xã, với 4.472 buổi phát thanh tại địa bàn 558 xã của 27 huyện thị xã, thành phố.

Trong công tác tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên ngành dân số đã tổ chức 250 cuộc sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên, mỗi trường 01 cuộc với gần 30.000 học sinh tham dự. Nội dung cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản VTN/TN, tâm sinh lý tuổi vị thành niên, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, lành mạnh; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai phù hợp lứa tuổi VTN/TN.

Đối với Sở Y tế sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các giải pháp duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; mạng lưới chăm sóc người cao tuổi, các loại hình câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe, văn hóa, giải trí của người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngành dân số Thanh Hóa đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội; lồng ghép nội dung công tác DS-KHHGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đọc thêm