Hiệu quả trong công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Móng Cái

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm qua, TP Móng Cái (Quảng Ninh) luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Sau 10 năm triển khai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã gặt hái được những thành công và để thấy rõ những hiệu quả của công tác mang lại Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái về vấn đề này.

- Với vị trí, địa lý và vai trò chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Móng Cái nói riêng thì công tác phổ biến giáo dục pháp luật được các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Bá Nam: Thành phố Móng Cái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh nằm ở cực Đông Bắc Tổ quốc. Đây cũng là thành phố cửa khẩu Quốc tế duy nhất vừa có đường biên giới trên bộ, vừa có đường biên giới trên biển tiếp giáp với Trung Quốc và là địa phương có vị trí và vai trò chiến lược về kinh tế - chính trị - quốc phòng - an ninh - đối ngoại

Trong những năm qua, thành phố luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhờ đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, trọng tâm, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đặc biệt, thành phố đã thành lập, phát huy vai trò, hiệu quả của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ông Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái.

Ông Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái.

- Sau 10 năm triển khai thì công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Móng Cái đã gặt hái được những thành công, đóng góp cụ thể như thế nào vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương?

Ông Hoàng Bá Nam: Quan điểm của thành phố Móng Cái là từ việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho Nhân dân, cho đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần đảm bảo tính thực thi của pháp luật, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Do vậy, những thành quả tích cực, toàn diện của Móng Cái trong 10 năm qua cũng chính là sự khẳng định tính hiệu quả của công tác PBGDPL.

Từ năm 2012 đến nay, địa phương đã tổ chức hơn 36 lớp tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình; pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai,... cho hơn 4.800 lượt người tham dự, trong đó có trên 1.300 người dân tộc thiểu số; tổ chức 21 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động hơn 1.000 lượt người tham dự.

Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật trên hệ thống truyền thanh cơ sở, phát tờ rơi, tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc, nêu cao vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào để truyền tải kiến thức pháp luật… Móng Cái đã đưa 2 xã Hải Sơn, Bắc Sơn thoát khỏi chương trình 135, 03 xã Quảng Nghĩa, Hải Sơn, Bắc Sơn hoàn thành chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao; đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân theo các tiêu chí “hạnh phúc” được nâng cao; toàn Thành phố không còn hộ nghèo, Nhân dân có mức sống khá trở lên, trong đó, rất nhiều hộ đồng bào DTTS trở thành những hộ khá, giàu.

Cụ thể hơn, Thành phố đã tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS; cho vay giải quyết việc làm được triển khai thực hiện có hiệu quả để đồng bào phát triển kinh tế, tổ chức lại sản xuất, tập trung sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ gắn với phát triển du lịch, trong đó điển hình là Mô hình mẫu chuỗi sản xuất - tiêu thụ dược liệu tại xã Bắc Sơn; mô hình du lịch cộng đồng, du lịch biên giới, tâm linh tại 2 xã Hải Sơn, xã Bắc Sơn; chuỗi giá trị thịt bò hữu cơ Phú Lâm gắn với kinh tế tuần hoàn tại xã Quảng Nghĩa; chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt lợn Móng Cái theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, Thành phố tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào DTTS, điển hình là khánh thành, đưa vào sử dụng đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ KKTCK Móng Cái đến KKTCK Bắc Phong Sinh - Giai đoạn 2, góp phần cải thiện điều kiện giao thông, tạo động lực để thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển nhanh, bền vững.

- Ngoài việc đóng góp những thành quả về việc xây dựng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, công tác tuyên truyền PBGDPL trong cộng đồng đồng bào DTTS trên địa bàn Thành phố cũng đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định an ninh biên giới. Xin đồng chí Bí thư Thành ủy Móng Cái có thể chia sẻ thêm những kết quả cụ thể của công tác này?

Ông Hoàng Bá Nam: Hiện nay 100% các xã miền núi, hải đảo trên địa bàn Thành phố được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được quan tâm chú trọng và hiện Thành phố có 100 tổ hòa giải với trên 597 hòa giải viên (hòa giải viên là người dân tộc thiểu số 33 người), tính từ năm 2013 đến nay các tổ hòa giải đã tiếp nhận 893 vụ, trong đó vụ việc liên quan đến người dân tộc là 54 vụ (chiếm 6%). Tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%, không có vụ tồn đọng đơn chưa giải quyết.

Công tác phối hợp và dự báo nắm tình hình an ninh chính trị biên giới, nội địa, công tác quản lý biên giới được các lực lương chức năng thực hiện tốt. Lực lượng dân quân tự vệ tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi được kiện toàn, tổ chức biên chế theo đúng Luật Dân quân tự vệ (xã Hải Sơn 52 đồng chí; xã Bắc Sơn 54 đồng chí). Từ việc ổn định kinh tế - xã hội, Nhân dân, đồng bào đã thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngày hội Biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân.

Thành phố chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về nhiệm vụ an ninh - quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nắm chắc thông tin, tình hình an ninh biên giới, an ninh vùng đồng bào dân tộc, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trên địa bàn; tuyên truyền và thực hiện tốt “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, công tác quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ toàn diện, vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng thế trận lòng dân.

Cùng vơis đó Móng Cái linh hoạt, chủ động tham gia công tác đối ngoại “giữ vững trong ấm, ngoài êm”, ký kết, thực hiện tốt các hoạt động giao lưu hữu nghị, kết nghĩa “cụm cư dân biên giới” giữa các thôn, bản, giữa xã với đơn vị tương đồng phía Đông Hưng, khu Phòng Thành (Trung Quốc), góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, trở thành hình mẫu quan hệ hợp tác Việt- Trung.

- Kế thừa những thành quả trong công tác PBGDPL của thành phố Móng Cái trong những năm vừa qua, trên cơ sở đó cấp uỷ, chính quyền địa phương sẽ có những kế hoạch nào để triển khai công tác này trong thời gian tới? Thưa ông!

Ông Hoàng Bá Nam: Năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xác định chủ đề công tác là: “Hoàn thành các quy hoạch, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Móng Cái”. Do vậy, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thành phố Móng Cái tập trung tuyên truyền gắn với từng chỉ tiêu cụ thể giao cho từng xã, phường, cơ quan, đơn vị để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, chủ động, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó là hoàn thành các quy hoạch, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, toàn diện; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Móng Cái trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển đô thị bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Đặc biệt, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững), đạt kết quả bằng những con số cụ thể, có như vậy mới chính là thước đo giá trị nhất cho hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm