Về nội dung trên, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ công bố trước khi tiến hành thanh tra theo kế hoạch, thanh tra hành chính, thanh tra thường xuyên.
Còn khi có tin báo hoặc tố cáo về hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan quản lý phải được thanh tra đột xuất không cần báo trước, vì nếu thông báo trước, những chứng cứ vi phạm sẽ bị tẩu tán hết.
"Tôi đồng ý với dự luật là thanh tra đột xuất không cần thông báo trước để việc ngăn chặn vi phạm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần quy định rõ người ký quyết định thanh tra, trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh tra của mình", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Để việc thanh, kiểm tra không bị chồng chéo giữa các cơ quan, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá, xem xét, xử lý việc chấp hành pháp luật thì giao cho cơ quan quản lý nhà nước. Còn việc trinh sát, phòng chống tội phạm về môi trường thì giao cho cảnh sát môi trường, từ đó phân định rõ trách nhiệm.
Cũng theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, để tránh tình trạng “sáng gặp thanh tra của ngành tài nguyên - môi trường, chiều lại gặp cảnh sát môi trường” hoặc gặp cùng lúc cả hai lực lượng thì Thủ tướng Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cần có quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền để tránh chồng chéo.
Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.