Thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước: Ai phù hợp để quản trị hơn 5 triệu tỷ đồng tiền vốn?

(PLO) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thành công và hiệu quả của Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào người quản lý. Do đó, “siêu ủy ban” sắp thành lập cần những người có kĩ năng am hiểu thị trường, thấu hiểu các nguyên tắc trên thị trường hơn là một nhà chính trị đơn thuần. 
Việc thành lập UBQLV, sẽ ngăn chặn hiệu quả lợi ích nhóm của các Bộ, ngành trong việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp?
Việc thành lập UBQLV, sẽ ngăn chặn hiệu quả lợi ích nhóm của các Bộ, ngành trong việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp?

Sẽ thành lập vào Quý 1/2018

Tại cuộc họp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải nhanh chóng thành lập UBQLV theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 12 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII, các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong quý I/2018 bảo đảm thành lập được UBQLV để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này. Và đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập UBQLV để Chính phủ thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp Chính phủ trong tháng 2/2018. Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của UBQLV, trong đó có thể hiện nội dung điều chỉnh các nghị định Chính phủ khác về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ (chuyển chức năng, nhiệm vụ của các Vụ Đổi mới doanh nghiệp về  UBQLV).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% sở hữu nhà nước đạt 5,4 triệu tỷ đồng.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Nghị quyết số 12 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII ngày 3/6/2017, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu: khẩn trương thành lập một cơ quan chuyên trách của Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng: Thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; Phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác tổ chức - cán bộ tại doanh nghiệp.

Ngăn chặn lợi ích nhóm của Bộ, ngành

Xung quanh câu chuyện thành lập UBQLV tại doanh nghiệp, tại Toạ đàm Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2017 do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) tổ chức, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nêu quan điểm phải tách các Bộ làm chính sách ra khỏi các DN, bởi để như vậy sẽ dẫn tới mâu thuẫn lợi ích.

Theo ông Tuyển, nhiều DNNN thì không ai quản được nên việc tách ra phải đi đôi việc đẩy mạnh cổ phần hoá với quan điểm những, ngành, DN không cần Nhà nước nắm giữ vốn thì bán hết. “Làm thế thu gọn đầu mối lại và cần quản lý quản chỗ cực kỳ quan trọng, quản lý các DN về chính sách công nghiệp”- Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nói.  

Khi được hỏi về vai trò của UBQLV khi đi vào hoạt động, TS. Lê Đăng Doanh, việc thực hiện và vận hành UBQLV đang thực sự là thách thức thực sự vì có quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế nổi tiếng này nói rất mong dư luận, báo chí ủng hộ việc thành lập UBQLV, vì nó lấy đi lợi ích nhóm của các Bộ, ngành sở hữu hiện nay. Các Bộ, ngành sau này sẽ chuyên tâm cho hoạt động quản lý Nhà nước, và thực hiện việc này một cách bình đẳng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thành công và hiệu quả của UBQLV phụ thuộc phần lớn vào người quản lý.  “Dó phải là những người kỹ trị, chứ không phải là nhà chính trị. Người làm chính trị nhưng nếu không có kĩ năng, không am hiểu thị trường, thấu hiểu các nguyên tắc trên thị trường, cách quản lý cơ bản thì không thể làm được. Cách chúng ta đảo lộn giữa hai nhiệm vụ này nên khiến tôi không yên tâm”-  bà Chi Lan nói.

Theo bà Phạm Chi Lan, trong báo cáo 2035, các chuyên gia kiến nghị Việt Nam chỉ nên duy trì 20 DNNN, lúc đó không cần đến “siêu uỷ ban”. “Ở Việt Nam, chúng ta vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Nếu không lập uỷ ban mà vẫn để mỗi DN được một Bộ, địa phương quản lý, vẫn giữ kiểu chia quyền cho bộ và địa phương thì chẳng khác nào bổn cũ soạn lại, không thể quản lý được”.- chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh. 

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 13/1/2018 lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.  Theo Quyết định, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác nói trên; tổ phó là ông Nguyễn Hoàng Anh (nguyên Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng), Chủ tịch của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các tổ viên khác gồm các bộ trưởng, trưởng ngành như: Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đọc thêm