Thanh lọc đội ngũ

(PLO) - Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 23/01/2018 có bài “Phải thanh lọc đội ngũ để phòng chống tham nhũng”. Đây là một trong các yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đây không phải là lần đầu Tổng Bí thư yêu cầu về vấn đề “thanh lọc đội ngũ”.
Ảnh minh họa nguồn Internet

Năm 2015, khi đến dự Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2015 của Viện KSND Tối cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tay nhúng chàm thì không thể chống tham nhũng”.

Năm 1994, trước hiện tượng cán bộ hư hỏng, tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có nhiệm vụ PCTN, ông Nguyễn Kỳ Cẩm khi đó là Tổng Thanh tra Nhà nước chia sẻ rằng, ông rất mừng là ngành Thanh tra chưa phát hiện ra tiêu cực trong nội bộ, còn xứng đáng là cơ quan của những vị “Bao Công”. Rất tiếc, điều này không duy trì được lâu dài.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường chỉnh đốn Đảng đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước...”.

Cơ quan có nhiệm vụ PCTN không ngoại lệ. Không hiếm các vụ việc cán bộ có chức, có quyền trong những cơ quan này giàu lên bất thường nhưng được chứng minh giàu có nhờ “chạy xe ôm” và nhiều vụ việc cán bộ hư hỏng gây quan ngại. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, cả khách quan và chủ quan. Về chủ quan có chuyện “thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm”, công tác kiểm tra giám sát bị buông lỏng, cán bộ có chức quyền “bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất”...

Cuộc đấu tranh PCTN đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nhất qua vụ xử Đinh La Thăng – một cán bộ cấp cao nhất từ trước đến nay và các đồng phạm. 

Tuy nhiên, tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; “nhóm lợi ích” hiện diện và có mặt, “cài cắm” khắp mọi nơi, ngay trong cơ quan có nhiệm vụ PCTN. Công tác PCTN còn đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề, phức tạp đối với các cơ quan chuyên trách. Để củng cố được niềm tin trong nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, công tác PCTN cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, bền bỉ, kiên trì, hiệu quả hơn. 

Để làm được việc này, phải thực hiện nhiều giải pháp nhưng không thể không xây dựng lực lượng các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người; phải kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, phải thanh lọc đội ngũ, trước hết là trong những ngành, cơ quan PCTN.

Không còn con đường nào khác, bởi “tay nhúng chàm thì không thể chống tham nhũng”.

Đọc thêm