Thanh niên và tiếng nói mạnh mẽ về môi trường

(PLVN) - Hiện nay, các vấn đề về môi trường đang là một thách thức rõ rệt đối với Việt Nam và cả thế giới. Không phải hiển nhiên mà nó được coi là vấn đề toàn cầu. Nhận thức được điều đó, thanh niên ngày nay đang ngày càng quan tâm đến môi trường hơn bao giờ hết. Đồng thời thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của mình đối với công cuộc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu cho hành tinh của chúng ta.
Thanh niên hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh.

Tiếng nói trên mạng xã hội…

Môi trường vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối của toàn cầu, ai cũng ý thức được trách nhiệm của chính bản thân trong công cuộc bảo vệ môi trường. Thế nhưng không phải ai cũng nhớ và làm được điều đó. Vậy nên để ô nhiễm môi trường trở thành “vấn đề nghiêm trọng” , luôn được gắn “tag” trong ý thức mỗi con người thì cần nhờ đến sự trợ giúp của mạng xã hội.

Nói như vậy, bởi trong thời đại 4.0 như hiện nay, mạng xã hội có vai trò mật thiết với đời sống con người. Trong một báo cáo của Internet Pew Project cho biết, có đến 67% người trưởng thành sử dụng các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Trong đó, độ tuổi từ 18-29 chiếm đến hơn 83% và 35% người sử dụng mạng xã hội có độ tuổi trên 65.

Khác với các nền tảng truyền thông thường thấy như tivi, đài, báo,… Mạng xã hội với điểm mạnh là đề cao sự tương tác giữa người dùng với nhau, là nơi để mọi người trò chuyện, thể hiện bản thân. Do đó, việc truyền tải thông điệp hoặc kêu gọi hành động sẽ mang lại hiệu quả, có thể là tốt hơn nhiều so với các kênh truyền thống mà chúng ta thường thấy.

Nắm bắt được ưu điểm đó cộng với việc am hiểu và thế mạnh xây dựng nội dung trên mạng xã hội. Thanh niên ngày nay đã sử dụng chính mạng xã hội để nói lên tiếng nói của mình về môi trường.

Không còn xa lạ với người dùng mạng xã hội là cụm từ hashtag (#). Hashtag được sử dụng như một công cụ thú vị giúp nhóm nhiều thông tin lại với nhau, chính vì thế có thể xem được tất cả những thông điệp chứa hashtag bằng cách nhấn vào nó. Đây cũng là sự ra đời của một loạt chiến dịch bảo vệ môi trường ý nghĩa và nhân văn.

#‎ChallengeForChange là một chiến dịch về môi trường khá nổi tiếng trên thế giới và cả Việt Nam, chiến dịch này được người Việt biết đến nhiều nhất thông qua Facebook. Mang tên “thử thách” nhưng nó không hề tạo nên sự cạnh tranh bằng kết quả thắng hay bại, đổi lại thông qua #‎ChallengeForChange mỗi người sẽ tự thử thách bản thân và có cái nhìn ý thức hơn trong việc hạn chế xả rác, giữ gìn môi trường sống trong lành. Góp phần nhỏ trong nỗ lực lớn của nhân loại về bảo vệ môi trường nói chung.

#Baovemoitruong là một hashtag bằng tiếng Việt nhưng thu hút đến 43,1 triệu lượt xem trên nền tảng Tiktok toàn cầu. Hashtag gồm những video có nội dung về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu do các bạn thanh niên lên ý tưởng và thực hiện. Nội dung đa dạng từ tái chế đồ nhựa, chiến dịch trạm nghiên cứu xanh, tuyên truyền về môi trường,… đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng Tiktok.

Ngoài hashtag, không thể không nhắc đến tầm ảnh hưởng “khủng” của các trang Fanpage trên Facebook. Điển hình phải kể đến trang “Tôi là rác - I am rubbish”, chia sẻ góc nhìn về những vấn đề nổi cộm của môi trường, với 537.650 người theo dõi. Nội dung được xây dựng đan xen giữa góc nhìn của con người về thiên nhiên; góc nhìn của động vật, thực vật với sự tàn phá của con người; chia sẻ thông tin môi trường,…

Khéo léo truyền tải những thông điệp đau thương, nỗi đau của thiên nhiên tới người đọc. Mới đây, trang đã đăng bài viết với nội dung “Thứ chúng ta cần và thứ chúng ta không cần” với hình ảnh so sánh giữa bộ bàn ghế gỗ chạm khắc tinh xảo với bàn ghế mây tre và rừng cây rậm rạp. Chỉ với một dòng chữ và hình ảnh nhưng bài đăng đã thu hút đến 64 nghìn lượt thích; 1,2 nghìn lượt bình luận và 1,5k lượt chia sẻ.

Một trang thông tin khác, “Nói không với túi nylon” tổng hợp về các vấn đề môi trường, thông qua đó nâng cao nhận thức của người dùng về vấn đề này. Trang này kêu gọi tất cả mọi người, nhất là những ai đang kinh doanh thời trang, mỹ phẩm,... tham gia vào chiến dịch “Nói không với túi nylon” hoặc “Túi giấy”. Vì mỗi chiếc túi nylon tuy giá thành không nhiều nhưng lại mất đến cả nghìn năm để phân hủy. Hay nếu một người hạn chế sử dụng túi giấy trong một năm, ta có thể cứu được tận vài cái cây. Ngoài ra, Fanpage này còn đăng tải các câu chuyện môi trường trên khắp thế giới.

Sau tất cả, có thể thấy, thanh niên ngày nay đã tận dụng rất tốt mạng xã hội để nói lên tiếng nói của mình về môi trường nhằm thay đổi suy nghĩ, tạo nên ý thức bảo vệ môi trường của tất cả mọi người. Chỉ với những câu chuyện và hình ảnh ý nghĩa, mạng xã hội đã giúp nhân rộng, truyền tải thông điệp khiến con người cảm thấy cần có trách nhiệm với thiên nhiên hơn.

Cho đến hành động ngoài đời thực

Không chỉ gây ấn tượng bởi tiếng nói mạnh mẽ trên mạng xã hội, thanh niên ngày nay còn mang trong mình trách nhiệm thực hiện lời nói đó. Thể hiện qua sự tham gia, đóng góp tích cực của thanh niên đối với những chiến dịch, chương trình bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Nổi bật phải kể đến Sáng kiến thanh niên hành động vì khí hậu (còn gọi là Youth4Climate) nằm trong khuôn khổ Chương trình “Lời hứa khí hậu” toàn cầu của Liên Hợp quốc. Chương trình nhằm nâng cao năng lực của thanh niên và các mạng lưới thanh niên hiện có, đẩy mạnh các hành động vì khí hậu của thanh niên ở nhiều lĩnh vực, thúc đẩy những đóng góp của Việt Nam về môi trường.

Sáng kiến Youth4Climate đã giúp thanh niên Việt Nam xây dựng một bản Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”, trong đó nêu ra các thách thức, khó khăn mà thanh niên phải đối mặt; giới thiệu các chiến lược tham vọng do thanh niên tự xây dựng và phát triển, thúc đẩy các hành động vì khí hậu.

Hay các chương trình, phong trào hoạt động được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng triển khai hiệu quả rộng khắp như: “Tết trồng cây”, “Vì một Việt Nam xanh”. Góp phần làm giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nước, ngăn chặn ảnh hưởng của tia cực tím, cải thiện sức khỏe con người tạo ra cơ hội kinh tế, cân bằng hệ sinh thái, làm cho đất nước xanh tươi, đặc biệt là tạo bóng mát phủ xanh trường học, thôn xóm, đô thị, vùng đất trồng, đồi trọc.

Từ năm 2016 đến nay, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động đã thu hút được 162.959 đoàn viên, thanh niên tham gia. Duy trì 531 điểm hoạt động thường xuyên làm sạch bờ biển tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước đã tích cực cùng các cấp, các ngành liên tục tuyên truyền, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống và bầu khí quyển.

Nhiều phong trào, mô hình và hình thức hoạt động đã tạo được dấu ấn, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp tại cộng đồng dân cư. Trong đó có các chương trình Ngày hội “Thanh niên hành động chống rác thải nhựa”; mô hình “Hành trình thứ 2 của chai nhựa - Tuyến đường Lít ánh sáng cho bản làng nông thôn mới” thắp sáng tuyến đường bằng đèn sử dụng năng lượng mặt trời được chế tạo từ vỏ chai nhựa đã qua sử dụng...

Giờ đây, ý thức bảo vệ môi trường không chỉ lan tỏa trong những chiến dịch, phong trào mà ngay ở cuộc sống thường nhật. Từng cá nhân thanh niên cũng đã tự ý thức được hành động bảo vệ môi trường mỗi ngày sẽ tạo nên ảnh hưởng tốt cho xã hội, cho cộng đồng.

Hành động không cần xuất phát từ những việc quá lớn lao, chỉ đơn giản bằng cách hạn chế sử dụng ly nhựa thay bằng ly sứ hay ly inox cá nhân. Nói không với ống hút nhựa thay bằng ống hút cỏ, ống hút inox hoặc không sử dụng ống hút khi không cần thiết. Tất cả những hành động tuy cơ bản, nhỏ nhặt cũng đã có thể tạo nên một ý thức tốt và dần dần hình thành nên thói quen “xanh” trong mỗi thanh niên.

Giờ đây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của riêng ai mà là của cả cộng đồng. “Lan tỏa việc làm nhỏ, giải quyết vấn đề lớn” chính là thông điệp, tiếng nói mạnh mẽ về môi trường mà thanh niên Việt Nam muốn truyền tải. Để mỗi cá nhân xem việc ứng phó với ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu là hành động đẹp, là ý thức, trách nhiệm của mỗi người.

Đọc thêm