Thành phố Hồ Chí Minh: Khai thác tiềm năng du lịch “ẩn mình”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những vẻ đẹp chân phương của đời sống sinh hoạt, những tín ngưỡng thiêng liêng, hay nét độc đáo của ẩm thực trong mọi góc phố, nẻo đường... là những điều đặc sắc vẫn ẩn mình trong đời sống ồn ã tại TP HCM, cần được khai phá đúng cách để du lịch thành phố thêm sôi động.
Chợ Bình Tây, ngôi chợ cổ nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh.
Chợ Bình Tây, ngôi chợ cổ nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh.

Văn hóa đặc sắc

Những năm qua, nhắc đến du lịch TP HCM, nhiều người thường cho rằng đây chỉ là “điểm trung chuyển” để đến các vùng du lịch phía Nam, còn bản thân TP HCM không có nhiều điểm đến hấp dẫn.

Các điểm đến nổi tiếng ở TP HCM thường là điểm “tham quan” đã quen thuộc với du khách như: Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Bưu điện thành phố, Chợ Bến Thành, Nhà hát Lớn thành phố, Bến Nhà Rồng. Ngoài ra là một số điểm đến như các bảo tàng lịch sử, chứng tích chiến tranh, phụ nữ Nam Bộ, các điểm du lịch gắn với lịch sử ngoại thành như địa đạo Củ Chi, chiến khu rừng Sác Cần Giờ...

Những năm gần đây, có thêm một số điểm “check in” khá nổi tiếng trong giới trẻ TP HCM là Land Mark 81, cầu Thủ Thiêm 2, tuyến xe bus đường sông... Nhưng phải thừa nhận rằng số lượng điểm đến nổi tiếng còn ít ỏi so với một thành phố rộng lớn và phát triển như TP HCM. Đặc biệt, càng ngày, du khách trong và ngoài nước càng có xu thế thích hướng đến những trải nghiệm dài ngày hơn, liên quan đến kết nối thiên nhiên, thưởng thức nét đẹp văn hóa, đời sống...

Tuy nhiên, còn rất nhiều nét đẹp ẩn sâu trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tâm linh của người dân nhưng những năm qua chưa được ghi nhận, đánh giá đúng mức và chưa được đưa vào bản đồ phát triển du lịch TP HCM.

Nơi đây có những con hẻm nhỏ đặc sắc, nơi chứa đựng nhiều nét đẹp cổ xưa, gắn với những câu chuyện thú vị. Như Hẻm Trịnh, con hẻm số 47 đường Phạm Ngọc Thạch, con hẻm nổi tiếng có nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nay quán cafe cóc trong hẻm vẫn là điểm đến yêu thích của giới văn – nghệ sĩ. Thành phố này có cả một văn hóa hẻm với hàng loạt con hẻm nổi tiếng, mang điểm đặc sắc riêng: Hẻm Hào Sĩ Phường tái hiện nét kiến trúc xưa cổ kính, đặc sắc của khu chợ Lớn; hẻm 3A Tôn Đức Thắng gắn liền với Nhà ga 3A là một trong những con hẻm chụp hình đẹp nhất thành phố với các nhà hàng, quán cà phê, shop quần áo, khu giải trí... và những bức tường được phủ đầy các hình vẽ đậm chất nghệ thuật đường phố; Cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một cư xá cổ kính với nhiều tranh tường cực kì đẹp mắt...

Một nét đặc sắc khác của TP HCM là những chợ cổ xưa, như chợ Hoa Hồ Thị Kỉ, Chợ Lớn, chợ ẩm thực xứ Quảng Bà Hoa, chợ đêm Tân Định, chợ Cao Đạt... Còn có những ngôi đền, chùa, đại diện cho tín ngưỡng phong phú của người dân thành phố như Chùa Giác Lâm Sài Gòn, chùa Bà Thiên Hậu Sài Gòn, chùa Ngọc Hoàng, chùa Ông, chùa Quan Âm, chùa Ấn Độ, lăng Cha Cả, lăng Ông Bà Chiểu... Cạnh đó là nhiều lễ hội văn hóa – tín ngưỡng đặc sắc như Lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt tại lăng Ông, Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ...

Thiết kế tour du lịch mới

Những nét đặc sắc ấy chính là những chất liệu tuyệt vời để có thể khai thác du lịch TP HCM ở chiều sâu. Tuy nhiên, những điểm đến, sự kiện văn hóa đặc sắc này thường được biết đến một cách nhỏ lẻ bởi người dân địa phương. Thời gian qua, TP HCM cũng đã lên kế hoạch phát triển những tour du lịch mới, khai thác sâu hơn tiềm năng của TP. Như một số công ty du lịch đang khai thác các sản phẩm tuyến tham quan và trải nghiệm dịch vụ 5 sao tại các khách sạn cổ của thành phố, các di tích văn hóa, tín ngưỡng ở khu Chợ Lớn (quận 5)...

Mới đây, trong kế hoạch du lịch 6 tháng cuối năm, TP HCM đã lên kế hoạch xây dựng những chương trình du lịch mới mẻ, khai thác nhiều hơn những tiềm năng vốn có của TP HCM. Kế hoạch sắp tới của UBND TP HCM là mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng. Một số chương trình như: “Ký ức Sài Gòn – Chợ Lớn”, “Quận 6 - Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn”, “Sài Gòn trăm năm, hoa trái thương hồ”, “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”,…

Ngoài ra, Sở Du lịch TP đang cũng lấy ý kiến góp ý đề án Phố đi bộ và khu ẩm thực Hà Tôn Quyền, quận 11. Sở Du lịch TP đang phối hợp cùng huyện Nhà Bè khảo sát các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch ven sông. Cạnh đó là Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy năm 2022 và Kế hoạch khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với hoạt động mới lạ trên địa bàn quận 1, 5, 6 và quận 8...

Có thể thấy, sau thời gian dài “ngủ quên”, TP HCM đang được đánh thức tiềm năng du lịch bởi nhiều chương trình mới lạ, sâu sắc, hấp dẫn. Một khi khai thác được hết tiềm năng, TP HCM cũng không còn bị coi là “điểm đến ngắn ngày” hay “điểm trung chuyển” nữa, mà thực sự là một thành phố du lịch thu hút du khách đến, dừng chân, yêu thương và trở lại.

Đọc thêm