Thành phố nào tiêu thụ rượu vang nhiều nhất thế giới?

(PLO) - Gần đây, hệ thống trường đại học chuyên về quản trị kinh doanh Inseec Business School công bố kết quả nghiên cứu do cơ quan Wine & Spirit Institute thực hiện. Thay vì đơn thuần so sánh mức tiêu thụ trung bình tại các thành phố lớn, cuộc khảo sát này tập trung vào mối tương quan giữa hệ thống phân phối rượu vang và lượng tiêu thụ hàng năm. Với 709 triệu chai rượu vang (tương đương với 5,32 triệu hectolít) trong năm 2017, thủ đô Pháp dẫn đầu bảng xếp hạng.
Hội chợ rượu vang Vinexpo 2017 tại thành phố Bordeaux
Hội chợ rượu vang Vinexpo 2017 tại thành phố Bordeaux

Vùng Ruhrtại Đức gồm 3 thành phố lớn Essen, Dortmund, Duisbourg đứng hạng nhì với 535 triệu chai. Buenos Aires về hạng ba với 485 triệu chai, Milano hạng tư (438 triệu), Luân Đôn hạng năm (390 triệu), New York hạng sáu (366 triệu), Berlin hạng tám (231 triệu). Thành phố châu Á đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng này là Tokyo. Thủ đô Nhật Bản đứng hạng mười với 161 triệu chai rượu vang tiêu thụ trong năm qua.

Theo nghiên cứu của Wine & Spirit Institute, sở dĩ Paris đứng đầu danh sách về lượng tiêu thụ rượu vang, đầu tiên hết là vì thủ đô Pháp là một trong những thành phố lớn tập trung các địa điểm phân phối kinh doanh nhiều nhất thế giới.

Tính tổng cộng, tại Paris có đến hơn 20.000 tiệm ăn, quán cà phê hay quán bar. Hệ thống phân phối ở Paris cũng bao gồm 1.315 cửa hàng siêu thị, 1.100 cửa hiệu chuyên bán rượu vang và rượu mạnh. Về mặt kinh doanh, Paris tổ chức hàng năm 1.000 hội nghị quốc tế và hơn 400 hội chợ cũng như triển lãm thương mại.

Ngành phân phối rượu vang thường xuyên tham gia tổ chức hay hợp tác tài trợ các sự kiện này. Điều đó giải thích vì sao Paris trở thành nơi tập trung 23.570 địa điểm kinh doanh, mạng lưới phân phối rượu vang được xem là dày đặc nhất trên thế giới.

Qua việc tổ chức hàng năm nhiều hội chợ quốc tế về nghệ thuật ẩm thực, Paris cũng là nơi khởi xướng nhiều xu hướng mới trong cung cách tiêu dùng. Các nhu cầu về rượu vang “100% bio” bảo đảm không có chất bảo quản, các loại rượu mùi ướp hương, các loại champagne dùng để pha chế cocktail, các loại rượu rosé thượng hạng dành cho các tiệm ăn sang hay các nhà hàng năm sao, hầu hết các xu hướng mới từ cách kết hợp chọn lựa thức uống sao cho vừa với thức ăn (wine pairing) cho tới cách trình bày pha chế, từng bắt đầu từ Paris ……

Về cung cách tiêu dùng, dân Paris khi đi ăn ở ngoài tiệm, giữ thói quen dùng một chút rượu vang vào giờ ăn trưa, hầu hết các quán ăn giờ đây đều có bán rượu theo ly, hầu thích ứng với nhu cầu này: Cứ trên bốn thực khách, có tới ba dùng rượu vang thay vì uống bia vào bữa ăn trưa.

Khoảng 73% thực khách dùng rượu vang như thức uống khai vị sau giờ làm việc, đại đa số dân Paris (83%) chọn uống rượu vang vào giờ ăn tối, nhịp độ là mỗi tuần ít nhất một lần. Ngoài champagne, họ cũng chọn uống rượu vang trong các dịp lễ lạc, ăn mừng ……

Tại Paris, thực khách cũng như người tiêu dùng có thể mua (hay đặt mua) hầu hết các loại rượu sản xuất ở Pháp, đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Tuy các nước láng giềng đều sản xuất rượu ngon, đặc biệt là Ý hay Tây Ban Nha, nhưng dân Paris khá ‘‘bảo thủ’’ trong cách tiêu dùng : 90% rượu vang được mua là rượu của Pháp.

Đặc điểm thứ nhì của thủ đô Pháp so với các thành phố lớn khác là dân Paris thích uống rượu đến từ vùng Bourgogne, trong khi rượu Bordeaux (hay rượu sản xuất tại các vùng phụ cận như Médoc) lại được tiêu thụ nhiều nhất tại các tỉnh thành khác trên khắp nước Pháp.

Vào lúc phong trào ‘‘ăn chay’’ đang làm giảm lượng tiêu thụ thịt bò ở Pháp, thậm chí thay đổi cung cách của người tiêu dùng khi họ đi ăn nhà hàng hay mua thực phẩm ở siêu thị, thì ngược lại, lượng tiêu thụ rượu vang ở Pháp vẫn ở một mức ổn định, cho dù có rất nhiều chiến dịch thông tin kêu gọi người tiêu dùng bớt uống rượu, hầu bảo vệ sức khỏe hay tăng cường an toàn giao thông. Khi dùng rượu vang, dân Pháp chủ yếu chọn rượu đỏ (60%), rượu rosé (25%), rượu trắng (12%). Còn về champagne, lượng tiêu thụ thường đạt mức kỷ lục vào mùa lễ cuối năm.