Xin Thứ trưởng đánh giá về những kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama?
- Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoa Kỳ đã kết thúc thành công với 6 kết quả nổi bật:
Thứ nhất, về chính trị - ngoại giao, hai bên đã ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững vì lợi ích hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới. Tuyên bố chung đã tái khẳng định cam kết của hai bên trong việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Tổng thống Obama khẳng định dù Chính quyền mới là của Đảng nào, chính sách với Việt Nam sẽ được tiếp tục.
Thứ hai, về kinh tế, kết quả đáng chú ý nhất là hai bên nhất trí cao lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ hai nước trong thời gian tới, theo đó hai nước sẽ tập trung hợp tác nhiều hơn vào lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu.
Thứ ba, về quốc phòng – an ninh, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Như vậy, tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh đã được loại bỏ. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã ký Thư thỏa thuận về hỗ trợ trong lĩnh vực thực thi pháp luật và tư pháp. Hai bên cũng nhất trí gia tăng hợp tác trong lĩnh vực Cảnh sát Biển, cứu hộ, cứu nạn, ưu tiên cao hơn cho hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh. Tổng thống Obama cam kết Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam để xử lý chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa sau khi hai bên đã thành công trong dự án tương tự ở sân bay Đà Nẵng cũng như trong vấn đề rà phá bom mìn.
Thứ tư, hai bên cũng đạt được một số thỏa thuận hợp tác về giáo dục – đào tạo, trong đó có việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam với mục tiêu xây dựng trường trở thành trường đại học chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế, ký Thỏa thuận khung về việc Việt Nam cho phép các tình nguyện viên Hoa Kỳ vào dạy tiếng Anh ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Chương trình Hòa bình và gia tăng trao đổi sinh viên hai nước.
Thứ năm, hai bên cũng thống nhất được một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và y tế như ký kết bản thỏa thuận liên quan triển khai thủ tục hành chính trong khuôn khổ Hiệp định về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) và một số thỏa thuận khác liên quan đến các dự án dầu khí, điện mặt trời và điện gió. Hoa Kỳ cũng cam kết ủng hộ Việt Nam tăng cường năng lực về y tế biển đảo.
Thứ sáu, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp xử lý các thách thức chung ở khu vực và toàn cầu, bao gồm các vấn đề liên quan biển Đông, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chống buôn bán động vật hoang dã, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và gìn giữ hòa bình. Về biển Đông, hai bên khẳng định lại lập trường đã nêu trong tuyên bố Sunnylands của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ tháng 2/2016.
Những bước phát triển tích cực trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đạt được chỉ 10 tháng sau chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là kết quả của những nỗ lực to lớn của hai phía và chủ trương đúng đắn của Việt Nam về việc “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói với Tổng thống Obama trong cuộc Hội đàm tại Nhà Trắng vào tháng 7/2015.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc |
Trong chuyến thăm, được biết hai nước có một số thỏa thuận về tăng cường quan hệ giáo dục – đào tạo, trong đó Việt Nam đã cấp giấy phép cho Trường Đại học Fulbright Việt Nam và cho phép tình nguyện viên Hoa Kỳ vào dạy tiếng Anh ở Việt Nam theo Chương trình Hòa Bình. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung và ý nghĩa của Hiệp định này?
- Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải năm 2005, phía Hoa Kỳ đã đề nghị Chính phủ ta cho phép tình nguyện viên vào Việt Nam. Trải qua một thời gian dài trao đổi, thương lượng, đến nay hai nước ký Hiệp định khung cho phép các tình nguyện viên của PC vào dạy tiếng Anh ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Hiệp định khung quy định rõ các tình nguyện viên phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, không có bất cứ hoạt động nào xâm hại an ninh Việt Nam và chịu sự quản lý của cơ quan hữu quan Việt Nam. Để triển khai, hai bên cần tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận thực thi với các nội dung cụ thể, ví dụ số lượng tình nguyện viên, chương trình giảng dạy, ở cơ sở nào…
Xin Thứ trưởng cho biết nội dung chính của Ý định thư về Sáng kiến lưu trữ thiết bị y tế và nhân đạo mà hai bên đã ký kết trong chuyến thăm?
- Cái tên đã nói rõ nội dung của Ý định thư rồi. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về một địa điểm lưu trữ các trang thiết bị y tế, giường, lều bạt, thuốc men, dụng cụ cứu hộ phục vụ các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai, dịch bệnh... Tuyệt nhiên đây không phải là căn cứ và không có sự hiện diện của nhân viên Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí tới Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc này của Hoa Kỳ?
- Như các bạn đều biết, hơn 20 năm sau khi hai bên tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 7/1995), sự tồn tại của một lệnh cấm vận – di sản của thời kỳ Chiến tranh Lạnh – là điều bất bình thường. Việc Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận này là một bước tiến quan trọng trong quan hệ như Obama nói trong cuộc gặp Lãnh đạo cấp cao ta là sự phát triển tự nhiên trong hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ. Quyết định này cho thấy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã được bình thường hóa với đúng nghĩa của nó, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên, trong đó có hợp tác quốc phòng, góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Đối với Việt Nam, quyết định này đã giúp đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trang thiết bị quân sự. Tôi muốn nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là hòa hiếu, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và pháp lý. Mục đích của nước ta tăng cường năng lực quốc phòng là để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phòng vệ là quyền chính đáng của các quốc gia được luật pháp quốc tế quy định rõ. Tôi tin diễn biến mới này sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Được biết, Thứ trưởng là người trực tiếp tham gia vào việc đón đoàn Tổng thống Obama, xin Thứ trưởng chia sẻ cảm nghĩ về chuyến thăm?
- Đến giờ phút này, chúng tôi có thể nói chuyến thăm đã thành công. Thành công với khách và thành công với chúng ta – nước chủ nhà. Tổng thống Obama đã đặt tay lên trái tim mình và nói với tôi rằng: “Tôi thực sự xúc động. Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi. Tôi cảm thấy gần gũi với đất nước này hơn bao giờ hết”.
Đối với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đây là cột mốc mới trên con đường hai nước thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung tháng 7/2015 trong chuyến thăm lịch sử Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đối với phía Hoa Kỳ, chuyến thăm thể hiện bước tiến dài trong tư duy của các nhà Lãnh đạo Hoa Kỳ với Việt Nam kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2006 của Tổng thống Bush, đó là: Tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam; tôn trọng Lãnh đạo Việt Nam. Tổng thống Obama đã gặp cả 4 Lãnh đạo cấp cao Việt Nam; tôn trọng, trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc – danh nhân được UNESCO tôn vinh qua việc Tổng thống Obama thăm Nhà sàn Bác Hồ.
Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam chống biến đổi khí hậu
Trong hoạt động cuối cùng của chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 23 đến 25/5/2016, trưa 25/5, Tổng thống Barack Obama đã có cuộc gặp gỡ khoảng 800 bạn trẻ là thành viên Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) ở GEM Center (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh).
Tại đây, ông đã có bài phát biểu đầy ấn tượng, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. “Tôi nhìn thấy nhiều bạn có tài năng tuyệt vời và tôi tin các bạn sẽ giúp Việt Nam tiến lên phía trước. Tôi tin các bạn sẽ thành công như bài hát của cố nhạc sĩ Trần Lập “Đường đến ngày vinh quang không còn xa” – Tổng thống Obama bày tỏ.
Ở phần giao lưu, trước câu hỏi của một bạn trẻ, Tổng thống Hoa Kỳ hào hứng cho biết ông rất muốn được đến Sơn Đoòng nếu có dịp quay lại Việt Nam. “Chúng tôi rất sẵn lòng làm việc cùng Chính phủ và các tổ chức ở Việt Nam để góp phần bảo vệ các di sản thiên nhiên như Sơn Đoòng” – ông cho biết.
Ông Obama bày tỏ vui mừng khi thế hệ trẻ của Việt Nam đã rất quan tâm đến môi trường. “Chúng ta không chỉ giữ các thắng cảnh của đất nước mà còn phải giữ gìn môi trường, sức khỏe của mọi người” – ông nói. Tổng thống Hoa Kỳ thẳng thắn thừa nhận có thể là không công bằng với các nước đang phát triển khi nghĩ về thời kỳ công nghiệp hóa của phương Tây, các nước sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch.
Tổng thống Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam là một trong những nước đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xu hướng trái đất ấm dần lên và nước biển dâng. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi thì hạn hán, nơi lại ngập mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, nguồn lương thực của những người nông dân, ngư dân. “Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ. Tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này” – ông nhấn mạnh.
Khi được đề nghị gợi ý về giải pháp để khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam ít bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Tổng thống Hoa Kỳ cho hay chính quyền của ông thông qua Bộ Ngoại giao đã lập kế hoạch phát triển bền vững ở nhiều quốc gia và Đồng bằng sông Cửu Long, sông Me kong. “Điều chúng tôi muốn làm là cung cấp cho các quốc gia đang bị ảnh hưởng những kỹ thuật, phương án, thảo luận cấp độ quốc tế để ngăn ngừa những dự án có ảnh hưởng xấu tới môi trường” – ông nói thêm.