Thanh tra Chính phủ: Sẽ có Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

(PLVN) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An, TP Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận liên quan việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ tham nhũng, tiêu cực.
Các bị cáo trong vụ án tham nhũng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tại Cty Dệt kim Đông Phương và Agribank - Chi nhánh 6 TP HCM.

"Không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" 

Cử tri Long An cho biết, đa số các ý kiến cử tri đều rất quan tâm đến công tác PCTN mà Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện trong thời gian qua. Việc PCTN góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ cấp cao chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt. "Đề nghị Trung ương xử lý quyết liệt hơn nữa trong công tác PCTN trong thời gian tới, đáp ứng được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước", cử tri Long An nêu rõ.

Trả lời cử tri, TTCP khẳng định, với quyết tâm chính trị của Đảng cùng sự tham gia của Nhà nước và toàn xã hội, công tác PCTN đã đạt được những kết quả tích cực: Các biện pháp phòng ngừa đã làm giảm thiểu nguy cơ phát sinh các vụ việc tham nhũng; công tác phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn và những người có hành vi tham nhũng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước được quan tâm, chỉ đạo sát sao; quyết tâm thu hồi triệt để tài sản tham nhũng…

"Những kết quả đó đã củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc PCTN của Đảng và Nhà nước", TTCP cho hay.

Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: Các dự án đầu tư lớn, quản lý và sử dụng đất đai, cổ phần hóa và việc mua bán tài sản công,…

Đồng thời tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán xử lý nghiêm những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, qua thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính trên 135.800 tỷ và gần 900ha đất; kiến nghị xử lý hành chính gần 2.000 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển CQĐT xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng; tập trung thanh tra, kiểm toán các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ PCTN; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTW) về PCTN trực tiếp chỉ đạo hàng loạt các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh. Vì thế nhiều vụ án lớn tồn đọng từ những năm trước đã được giải quyết, số vụ án khởi tố mới năm sau cao hơn năm trước.

Công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng không ngừng được cải thiện ở địa phương, giảm dần số địa phương không có án tham nhũng khởi tố mới, bước đầu khắc phục được tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng ngày càng được thực hiện triệt để và hiệu quả hơn. Tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau cao hơn năm trước. "Đã phối hợp xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cao cấp, qua đó khẳng định quyết tâm của Đảng là "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai" trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng", TTCP trả lời cử tri và dẫn chứng việc cơ quan chức năng đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương (2 ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng 

Trả lời cử tri Long An, Hải Phòng, Đắk Lắk và Bạc Liêu, TTCP khẳng định trong những năm qua, nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng đã được áp dụng.

Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hòa tài sản tham nhũng. Khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Luật PCTN quy định rõ tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu cho Nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Coi việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng.

"Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đạt năm sao cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng của nước ta hiện nay. Việc thu hồi tài sản còn chậm, tỷ lệ thấp so với số tài sản bị thất thoát", TTCP trả lời.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu… Trong một số vụ án vẫn xảy ra tình trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên, TTCP cho biết phải có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế dùng tiền mặt trong việc giao dịch, mua bán các tài sản có giá trị lớn để thuận lợi trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán…

"Hiện Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, dự kiến tháng 9/2021 trình Thủ tướng. Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong PCTN nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng", TTCP cho biết. 

Trước việc cử tri TP HCM kiến nghị nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, TTCP cho biết hiện Việt Nam đang đi theo mô hình đa cơ quan trong PCTN để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp cũng như để tạo thuận lợi cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đây là mô hình có sự kế thừa, chọn lọc và áp dụng kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia trên thế giới.

Khi áp dụng vào Việt Nam, mô hình này cho thấy sự phù hợp, nhất quán với nguyên tắc tổ chức của hệ thống chính trị và điều kiện, hoàn của Việt Nam hiện nay.

Minh chứng cụ thể là kết quả công tác PCTN thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kế quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.

Việc nghiên cứu, hoàn thiện mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN cũng được Bộ Chính trị, BCĐTW về phòng chống tham nhũng quan tâm.

BCĐTW về phòng chống tham đã ban hành Quyết định số 6/2017 thành lập BCĐ xây dựng Đề án "Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng", đến nay đề án đã được xây dựng và đang lấy ý kiến với dự thảo để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, kết luận.

Đọc thêm