Thanh tra chuyên ngành TP HCM ’bó tay’ trước tham nhũng?

"Có những vụ việc, khi cơ quan thanh tra chuyên ngành vừa “rút” đi, Cơ quan Điều tra vào cuộc thì lập tức phát hiện vi phạm. Vậy ở đây có hiện tượng phát hiện mà ém nhẹm, hay là do bệnh thành tích không dám nêu ra, hoặc là sợ liên quan đến những vụ tham nhũng", Thượng tá Nguyễn Minh Thông đặt vấn đề.

“Trong chỉ đạo, điều hành đòi hỏi người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải biết phối hợp, ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh... với những tham nhũng xảy ra ngay tại đơn vị, cơ quan của mình. Nếu chúng ta không quyết tâm thì bất cứ trong lĩnh vực nào cũng có thể xảy ra tội phạm tham nhũng...”, Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Hội nghị chuyên đề: “Đánh giá thực trạng tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng tại TP.HCM”, do Viện KSND TP.HCM tổ chức hôm qua.

Ba năm phát hiện 4 vụ

Bà Nguyễn Ngọc Điệp - Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM, cho biết: “Hiện tội phạm tham nhũng ngày càng phức tạp, phổ biến ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có những nơi xảy ra rất nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi, nên phát hiện, xử lý khó khăn.”

Theo bà Điệp, từ tháng 12/2007 đến tháng 8/2010, Cơ quan Điều tra hai cấp thụ lý 89 vụ, với 178 bị can bị khởi tố về các tội tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 69 vụ, 126 bị can. VKSNDTC ủy quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 10 vụ, 43 bị can...

Huỳnh Ngọc Sỹ và Lê Quả trước vành móng ngựa.

Tình hình tội phạm tham nhũng hàng năm tăng, giảm thất thường và có diễn biến phức tạp, khó phản ánh đúng thực trạng tình hình tội phạm tham nhũng đã xảy ra. Trong khi đó, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra để chuyển sang xử lý hình sự là rất ít, ba năm (từ 2007 đến 2009), cơ quan thanh tra chỉ chuyển 4 vụ, năm 2010 cũng không có vụ nào.

Thượng tá Nguyễn Minh Thông, Phó Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và Chức vụ Công an TP.HCM đặt vấn đề: Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra không nhận được một văn bản kiến nghị xử lý hình sự nào của các cơ quan thanh tra chuyên ngành trên địa bàn TP.HCM. Có phải các cơ quan này có phát hiện vi phạm mà không làm(?!). Thậm chí, có những vụ việc, khi cơ quan thanh tra chuyên ngành vừa “rút” đi, Cơ quan Điều tra vào cuộc thì lập tức phát hiện vi phạm. Vậy ở đây có hiện tượng phát hiện mà ém nhẹm, hay là do bệnh thành tích không dám nêu ra, hoặc là sợ liên quan đến những vụ tham nhũng.

Xấu hổ vì cán bộ tham nhũng

Giải quyết bất đồng quan điểm


Thay mặt lãnh đạo VKSNDTC, ông Hoàng Nghĩa Mai chỉ đạo ngành kiểm sát: Sự tác động, chi phối của xã hội đối với bản thân từng cá nhân là rất lớn, đòi hỏi mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải luôn trao dồi, rèn luyện phẩm chất, đạo đức để vượt qua những chi phối đó.

Liên quan đến câu chuyện quan điểm của các cơ quan tiến hành có khi không thống nhất với nhau, ông Mai cho rằng dù cách hiểu có thể khác nhau trong một vài vụ án, nhưng không thể để điều đó trở thành phổ biến... mà phải biết tìm cách giải quyết bất đồng để tìm ra được tiếng nói chung.

Không phủ nhận sự quyết tâm cao của các cơ quan tiến hành tố tụng TP.HCM thời gian qua là rất hiệu quả, với hàng loạt các vụ án nổi cộm được đưa ra xét xử: Như vụ tham nhũng xảy ra tại Cty Địa ốc Gò Môn do Phạm Thị Tuyết Lan và đồng phạm thực hiện; vụ Dương Văn Khanh “tham ô tài sản” tại công trình xây dựng đường cáo tốc Sài Gòn – Trung Lương; vụ Huỳnh Ngọc Sỹ “nhận hối lộ” xảy ra tại Ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây; vụ Nguyễn Quốc Khánh – nhân viên trật tự quản lý đô thị phường 12, quận Gò Vấp “nhận hối lộ” để các hộ dân xây nhà trái phép...

Liên quan đến các vụ án cán bộ tham ô, nhận hối lộ..., ông Hoàng Nghĩa Mai, phó Viện trưởng Viện KSNDTC cho rằng, “thật xấu hổ khi đối diện với Tòa là những cán bộ đã được ăn học, đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng... lại đổ lỗi cho một đối tượng ngoài xã hội – một “cò đất”, thì quả là khó chấp nhận”.

Ông Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát, xét xử phúc thẩm tại TP.HCM - Viện Phúc thẩm 3, Viện KSNDTC cho rằng: Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng là hết sức khó khăn, không đơn giản. Liên quan đến chuyện cơ quan thanh tra ba năm chỉ chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra xử lý hình sự, ông Dương cho rằng cần đặt dấu hỏi đối với cơ quan thanh tra(?).

Ông Dương đặt vấn đề, Nhà nước đầu tư một cơ quan như vậy mà làm không hiệu quả, liệu có phải do cơ chế, do chỉ đạo hay không chịu làm. Nếu thực sự do cơ chế thì Nhà nước cũng cần có cơ chế hoạt động độc lập để cơ quan này thể hiện chức năng của mình.

Phong Trần

Đọc thêm