Thành tựu trong đảm bảo, thúc đẩy quyền con người nhân lên lòng tự hào, niềm tin với Đảng

(PLVN) - Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước cũng như những tiến bộ không ngừng trong sự nghiệp bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Ảnh minh họa.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Ảnh minh họa.

Những thành tựu toàn diện

Trong mọi giai đoạn lịch sử, Việt Nam luôn nhất quán chính sách, cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực quan trọng nhất của đất nước.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa qua tiếp tục khẳng định Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Thực hiện chủ trương trên, trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ cho việc đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Các văn bản luật, chính sách, kế hoạch, chiến lược, dự án lớn trước khi được thông qua đều được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đảm bảo quyền tự do, dân chủ cũng như thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.

Cùng với những bước tiến trong việc hoàn thiện thể chế, trong những năm qua, chúng ta đã thực hiện thắng lợi nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người.

Nổi bật là Việt Nam đã đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (LHQ) về xóa đói, giảm nghèo trước thời hạn 10 năm, được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,75% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020).

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng lên qua các năm. Bảo hiểm y tế được phát triển, mở rộng.

Cùng với đó, các trụ cột chính của an sinh xã hội là Bảo hiểm xã hội thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Đại đa số các trường hợp yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự quan tâm, trợ giúp thường xuyên...

Thành tích nâng cao vị thế của phụ nữ trong đời sống kinh tế, chính trị, quyền tham chính của phụ nữ, tỉ lệ nữ lãnh đạo của Việt Nam khá cao so với khu vực và thế giới. Kết quả đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua cho thấy, ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 20,8% (tăng 1,62%) so với nhiệm kỳ trước. Đối với cấp trên cơ sở đạt 17,4% (tăng 2,41%). Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 15,73% và tăng 2,72% so với nhiệm kỳ trước.

Trong các cơ quan dân cử, theo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV là 30,26%, cao nhất từ trước đến nay.

Báo cáo được Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố vào tháng 3/2021 cho thấy, tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo của Việt Nam là 39%, cao hơn mức trung bình toàn cầu và xếp thứ 3 trên thế giới trong số 29 quốc gia được khảo sát về tỉ lệ nữ lãnh đạo.

Bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân

Việc ứng phó với đại dịch COVID-19 trong suốt hơn 2 năm qua càng thể hiện rõ nét quan điểm “vì dân”, tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” của chúng ta.

Phát biểu tại một hội thảo, TS Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giao Trung ương, chỉ ra rằng, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang lúng túng trong việc lựa chọn chiến lược để đối phó với COVID-19 thì Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân, dù trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế. Trên nền tảng quan điểm nhân văn đó, chiến dịch phòng chống COVID-19 của Việt Nam đã thành công nổi bật, trở thành điểm sáng toàn cầu.

Về an sinh xã hội, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Quốc hội (QH), Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách chưa có tiền lệ, bảo đảm an sinh cho hàng chục triệu người dân trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là các nhóm đối tượng người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, người thất nghiệp...

Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thông tin tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, QH khóa XV mới đây, Bộ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, các chương trình hỗ trợ trên đã giải ngân số tiền trên 80.000 tỷ đồng, với trên 55 triệu lượt đối tượng thụ hưởng.

Tháng 1/2022, trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, QH khóa XV đã triệu tập kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử nhằm đưa ra các quyết sách kịp thời để thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của QH về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của nhân dân.

Cùng với các biện pháp chống dịch trong nước, chiến dịch “ngoại giao vaccine” cũng đã được triển khai quyết liệt nhằm. Với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới, tạo tiền đề cho việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực trên tất cả các mặt.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới tổ chức liên tục các chuyến bay đưa công dân về nước, được nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tính đến tháng 2/2022, các cơ quan trong nước, các địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các hãng hàng không triển khai hơn 1.000 chuyến bay, đưa khoảng 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Các nỗ lực này thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người con xa xứ, đồng thời thể hiện tầm vóc, vị thế Việt Nam, nhân lên lòng tự hào, niềm tin vào đất nước, vào Đảng ta.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, chỉ số theo dõi về phát triển lấy con người làm trung tâm của Việt Nam thuộc top đầu thế giới. Trưởng Đại diện UNDP đánh giá cao Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên hàng đầu việc đáp ứng các nhu cầu của nhân dân, coi đó là nhiệm vụ cấp thiết khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

“Vì chú trọng đến con người, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020”, bà Wiesen nói.

Nhiều bạn bè trên thế giới cũng đánh giá rất cao về cách tiếp cận với dịch bệnh của Việt Nam, cho rằng cách ứng phó của Việt Nam với COVID-19 là rất đặc biệt và thực sự nổi bật so với các quốc gia trên thế giới. Đó là cách ứng phó không hề do dự đặt cuộc sống của người dân lên trên hết. Nhờ đó mà Việt Nam là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới trong đại dịch.

Nâng cao vị thế, vai trò trên các diễn đàn đa phương

Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 là cơ sở vững chắc để Việt Nam vững tin ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023-2025.

Việt Nam ứng cử HĐNQ nhiệm kỳ tới với thông điệp: “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và Hợp tác. Bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người”. Cụ thể, Việt Nam khẳng định sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của HĐNQ thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.

Việt Nam quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới; bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng ưu tiên thúc đẩy quyền sức khỏe trong bối cảnh phòng chống đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm, quyền giáo dục có chất lượng dựa trên công bằng về cơ hội và tiếp cận…

Việc Việt Nam ứng cử vào HĐNQ là một chủ trương rất đúng đắn, thể hiện trên thực tế đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, đồng thời cũng là minh chứng cho thấy thành quả của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người trong những năm qua.

Nếu ứng cử thành công và đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 như đã thể hiện thời gian qua, tỏng đó có việc đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 hay thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016 sẽ nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương.

Ngoài ra, đây còn là phương thức để đấu tranh hiệu quả hơn đối với những thông tin sai lệch về bảo đảm quyền con người của Việt Nam.

Đọc thêm