Ông Hà Phước Thắng - Người phát ngôn của UBND TPHCM - cho biết, sau khi nhận được thông tin lan truyền về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch vào hôm 25/8, TP cũng đã làm việc với các ban ngành có liên quan, đồng thời, giám sát và theo dõi chặc chẽ để có hướng xử lý đúng nhất.
Ông Thắng cho biết thêm, cũng ngay trong ngày 25/8, ông Phạm Phú Quốc cũng đã làm đơn xin thôi Đại biểu Quốc hội, cũng như từ chức Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Ông Thắng cho hay, quan điểm của TP là xử lý triệt để, công khai minh bạch về các vấn đề liên quan đến ĐBQH Phạm Phú Quốc, sau khi xem xét tất cả các khía cạnh, cũng như các vấn đề có liên quan.
|
Đại diện Sở Nội vụ khẳng định, TP sẽ xử lý triệt để những sai phạm của ông Phạm Phú Quốc. |
Khi báo chí đặt câu hỏi về “việc trả lời thông tin chậm”, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - cho rằng, do ông Phạm Phú Quốc đang là một ĐBQH, bên cạnh đó thông tin cũng được đặng tải từ trên mạng xã hội, nên trước khi cung cấp thông tin thì cần phải kiểm chứng để tránh sai sót.
Về nội dung năm 2018 khi ông Phạm Phú Quốc đang bị kỷ luật Đảng nhưng TP vẫn điều động ông giữ 3 vị trí quan trọng chỉ trong thời gian rất ngắn, phải chăng việc điều động là có vấn đề, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy xác nhận, đúng là thời điểm năm 2018, khi đó ĐBQH Phạm Phú Quốc cũng đang bị kỷ luật Đảng (còn lý do bị kỷ luật thì ông Khuê cho biết sẽ cung cấp sau). Tuy nhiên, theo ông Khuê, thời điểm này ông Phạm Phú Quốc vẫn có năng lực và đáp ứng được cho nhu cầu của công việc, và TP cũng đã xem xét nghiêm túc việc bổ nhiệm ông Quốc vào các vị trí đó.
"Vả lại, việc sai phạm không quá làm biến chất cán bộ và tùy theo vấn đề sai phạm, chúng ta có thể tạo điều kiện cho cán bộ sửa sai và nỗ lực sửa sai, chứ không nên nói đã có sai phạm thì loại trừ và không xem xét", ông Khuê nói.
Liên quan đến nghi ngờ ĐBQH Phạm Phú Quốc đã dùng hơn 52 tỷ đồng Việt Nam để mua quốc tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng, đó chỉ là những suy luận cá nhân và không có bằng chứng, vì ngay cả trong biên bản giải trình cũng như những buổi làm việc gần đây, ĐBQH Phạm Phú Quốc vẫn nhất quán đó là do vợ và con bảo lãnh, "và chúng ta cần tôn trọng những vần đề mang tính riêng tư". "Còn cụ thể như thế nào, đến giờ chúng tôi vẫn còn đang xem xét và sẽ có câu trả lời cụ thể", ông Khuê nói.
|
ĐBQH Phạm Phú Quốc. |
Trước câu hỏi của báo chí "Việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có quốc tịch nước ngoài từ năm 2018, có báo cáo TP hay không?", ông Khuê cho biết, ngay thời điểm ông Phạm Phú Quốc ứng cử ĐBQH tháng 12/2019 thì vẫn chưa có thông tin gì vợ và con có quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus) cũng như bản thân ĐBQH Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ 2.
"Và hiện nay trong hồ sơ vẫn chưa có thể hiện ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch, cũng như vợ con ông có quốc tịch nước ngoài", ông Khuê thông tin, "Điều đó, dù luật chưa đề cập đến việc ĐBQH chỉ được có một quốc tịch, nhưng việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch không chỉ cho thấy Phạm Phú Quốc đã vi phạm vào các quy định tổ chức cán bộ, không thực hiện theo điều lệ của Đảng, lương tâm trách nhiệm của một Đảng viên, mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ với lá phiếu cử tri đã bầu cho một ĐBQH."
Ông Khuê cũng bày tỏ sự tiếc nuối và cho rằng, hiện tượng Phạm Phú Quốc xảy ra vừa qua là một mất mát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đồng thời là bài học trong công tác quản lý cán bộ.
Ông Khuê cũng khẳng định, việc đưa ra hình thức xử lý đối với ông Phạm Phú Quốc sẽ dứt điểm ngay trong tháng 9. Cụ thể, tuần này, TP cũng sẽ giao Sở Nội vụ và các ban ngành tham mưu đình chỉ công tác hiện tại với vai trò là TGĐ của IPC và xem xét bãi nhiệm ĐBQH.
Tuy nhiên, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, việc bãi nhiệm ĐBQH cũng như đình chỉ vai trò hiện nay theo đơn xin của ĐBQH Phạm Phú Quốc cũng sẽ diễn rasau khi đã xem xét mức độ sai phạm của vị ĐBQH này.