Có hơn 10 nhóm kiến nghị xoay quanh các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, phân bón, lâm sản, thủy sản… được cho là đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, được đại diện Bộ chủ quản báo cáo với Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, nội dung nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ công tác của Thủ tướng và Bộ NN&PTNT là “quy định hồ sơ truy xuất nguồn gốc lâm sản nhập khẩu”. Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - ông Mai Tiến Dũng đánh giá, những năm qua, Bộ NN&PTNT luôn tiên phong trong đổi mới, cắt giảm thủ tục nhằm giảm phiền hà cho người dân, DN.
“Tuy nhiên, đối với quy định truy xuất nguồn gốc lâm sản, Bộ cần dẫn chứng rõ năm qua đã kiểm tra được bao nhiêu lô, trong đó có bao nhiêu lô đã nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ đó quyết định nên hay không nên có quy định kiểm tra”, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nói và đặt tiếp câu hỏi: “Hiện, một số nước đã có chứng minh nguồn gốc rồi thì khi gỗ về Việt Nam, chúng ta có nhất thiết phải kiểm tra nữa không”? Thứ trưởng NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Cơ quan chức năng chỉ thực hiện việc kiểm dịch chủ yếu đối với mặt hàng gỗ tròn và một phần rất nhỏ với gỗ xẻ mà thôi”.
Liên quan tới mặt hàng được xem là lợi thế xuất khẩu, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, đến cuối tháng 3/2019, có hơn 5.000 tấn nguyên liệu khai thác đang bị ứ đọng do một số cảng cá không được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (S/C) như nội dung quy định tại Thông tư 21/2018 của Bộ NN&PTNT.
Số liệu công bố tại cuộc họp cho thấy, cả nước đang có 83 cảng cá nhưng Bộ chủ quản mới chỉ công bố chưa đầy 50 cảng đủ điều kiện. “Vì thế, nhiều lô hàng sản xuất ra từ số nguyên liệu này đang nằm kho do không thể xuất đi châu Âu vì chưa xin được xác nhận S/C”, đại diện VASEP dẫn chứng.
Cho ý kiến về những nội dung trên, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng lưu ý Bộ NN&PTNT cần căn cứ tình hình thực tế để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tránh đặt vấn đề một cách lý thuyết, máy móc ảnh hưởng tới DN.
Tiếp thu vấn đề này, Thứ trưởng NN&PTNT Hà Công Tuấn cam kết: “Ngay trong tháng 4/2019, chúng tôi sẽ kịp thời công bố các cảng cá có đủ điều kiện xác nhận S/C theo quy định của Thông tư 21 năm 2018”. Thậm chí, một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, Thứ trưởng Tuấn yêu cầu các Vụ, Cục chức năng mời các hiệp hội, ngành hàng đến trụ sở Bộ họp để cùng tháo gỡ ngay trong ngày hôm nay (2/4)…
Tại phiên họp hôm qua (1/4), dù vẫn còn một số bất cập khiến các DN “kêu ca”, nhưng với hướng giải quyết của Bộ này, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá: “Bộ NN&PTNT đã rất cầu thị trong tiếp thu, lắng nghe ý kiến từ các DN. Những giải đáp từ phía Bộ là khá rõ ràng, có thời gian cụ thể và rất sòng phẳng!”.