Chủ trương lớn nhưng nhiều vướng mắc!
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Theo đó, Nhà nước đã dành chính sách ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ ngư dân đóng những con tàu vỏ thép hiện đại phục vụ cho công tác đánh bắt thủy hải sản xa bờ.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.
“Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững. Đặc biệt, còn góp phần tích cực vào giữ vững an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển”, ông Môn nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo ông Môn, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực... Những vướng mắc này cần phải được tháo gỡ kịp thời để “Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Cần có giải pháp lâu dài, bền vững
Để tháo gỡ những vướng mắc và có giải pháp lâu dài, bền vững, ông Môn cho rằng, cần phải lưu ý những vấn đề lớn như về chính sách đầu tư: hạ tầng cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã đồng bộ chưa? Cần phải làm những gì để thời gian tới công tác đầu tư hạ tầng cho ngành khai thác thủy hải sản được tốt hơn.
Về chính sách tín dụng, 3 năm qua vẫn còn gặp hiện tượng thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp, các ngân hàng vẫn yêu cầu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, lãi suất cho vay còn cao... Vì vậy, nhiều ngư dân rất khó vay hoặc không muốn vay vốn.
Đáng chú ý, việc khai thác thủy hải sản xa bờ chứa đựng rất nhiều rủi ro, vì thế việc bảo hiểm cho tàu cá, bảo hiểm chuyến đi biển, bảo hiểm thuyền viên đối với ngư dân rất quan trọng. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo Nghị định 67, đã phát sinh vướng mắc, làm cho các ngân hàng thương mại không tiến hành giải ngân cho các tàu đang đóng hoặc tàu đã đóng xong nhưng không có bảo hiểm nên không đi biển được.
Về thiết kế, thẩm định, thi công, công tác giám sát, kiểm tra đóng mới tàu cá cần xem việc thực hiện các quy trình, bảo đảm tính công khai, minh bạch ra sao; trách nhiệm của các bên như thế nào để hạn chế tối đa sự cố. Có nên đóng tàu vỏ sắt hay chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ. Trong khi thực tế, trong số 2.000 con tàu được nâng cấp, đóng mới theo Nghị định 67, vẫn có hơn 40 con tàu bị hỏng hóc máy móc, gỉ sét.
Thao dự Hội thảo, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần tập trung tổ chức thực hiện các chính sách được ban hành theo Nghị định 67. Tổng kiểm tra, rà soát điều kiện của các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không đủ điều kiện đóng mới tàu cá hoặc thiếu trách nhiệm khi có tàu bị hư hỏng. Riêng với Tổng cục Thủy sản, tiếp tục cử các đoàn công tác phối hợp với các địa phương có tàu cá hư hỏng để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, khẩn trương khắc phục hư hỏng. Nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) đặt vấn đề, trong tình hình biển đông có những diễn biến phức tạp như: Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông; chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực… nên chăng các nước trong khu vực tăng cường các chính sách an ninh, quốc phòng, tăng cường kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu nước ngoài vi phạm để bảo vệ chủ quyền các vùng biển và lợi ích của họ ở Biển Đông. Sự hiện diện của đội tàu cá xa bờ có kích thước và công suất lớn trên biển như đội tàu đóng theo Nghị định 67, có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân đi khai thác thủy sản theo tổ đội cùng nhau để hỗ trợ giúp nhau khi gặp thiên tai, địch họa; ngư dân kịp thời cung cấp thông tin cho các lực lượng chấp pháp về tình hình vi phạm vùng biển của nước ngoài…
Bà Nguyễn Thị Phượng , Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, đến nay sau 3 năm triển khai thực hiện cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, tổng số vốn cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký 4.605 tỷ đồng, dư nợ hiện tại 3.883 tỷ đồng; số khách hàng đang vay vốn 554 khách hàng, trong đó có 510 khách hàng vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu (40 khách hàng vay vốn nuôi trồng, chế biến thủy hải sản).
Các khó khăn, vướng mắc của Agribank trong triển khai chương trình tín dụng theo NĐ 67 nằm ở chỗ, phần lớn đối tượng khách hàng vay là hộ gia đình và cá nhân 470/510 khách hàng (chiếm 92,2%). Chỉ có 31 khách hàng vay doanh nghiệp, 5 HTX và 3 Tổ hợp tác.