ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm với nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông sản, đóng góp 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Với mạng lưới 350 chi nhánh tổ chức tín dụng và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân, khu vực ĐBSCL có mức tín dụng liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% (giai đoạn 2015 – 2018). Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624 nghìn tỷ đồng.
Trên thực tế, hoạt động tín dụng đối với DN, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ nhất là xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, vấn đề chất lượng sản phẩm, hạn chế trong liên kết dẫn đến một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn. Trong khi đó, thiếu các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro phát sinh, đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng.
Vì vậy, thông qua Hội nghị giúp cơ quan quản lý nhà nước và DN có thể nhận diện các thách thức, tìm hiểu các nguyên nhân khiến DN gặp vướng mắc về vốn. Qua đó, tìm các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng, mở rộng tín dụng nhằm hỗ trợ cho DN để tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm thế mạnh của vùng.
Đồng thời, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, kìm chế lạm phát tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. “Ngành ngân hàng và DN luôn luôn là cơ chế hợp tác, ngân hàng cần DN – DN cần hỗ trợ từ ngân hàng để đôi bên cùng phát triển”, ông Tú nói.