Ùn tắc tại cửa khẩu phía Bắc vẫn đang diễn ra
Tại họp báo, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu mà theo số liệu tổng hợp và đánh giá thì tập trung chủ yếu tại các địa phương có hoạt động thông thương lớn với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Trong đó, tại tỉnh Lạng Sơn lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 300-400 xe/ngày, trong khi lượng hàng hoá từ nội địa lên các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất lớn cộng với năng lực bến bãi có hạn dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Còn tại tỉnh Quảng Ninh, tính đến 21/12/2021, vẫn còn hiện tượng ách tắc phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu…
Theo ông Âu Anh Tuấn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc là do Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20 - 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường…
Trong khi đó, phía Việt Nam, thời điểm hiện tại nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh gây áp lực, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.
Trong khi thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, chi tiết, dẫn đến hàng hóa đưa lên cửa khẩu tăng lên với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế.
Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa, ông Âu Anh Tuấn cho biết, ngay từ tháng 6/2021, Tổng cục Hải quan đã có Công điện số 14/TCHQ chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp.
Cụ thể, khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp; bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan, chính sách hàng hóa của phía nhập khẩu và tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Cục Hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn và tại cửa khẩu bố trí, phân công việc phân luồng, điều tiết phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, vừa an toàn trong công tác phòng chống dịch, ưu tiên phân luồng dành riêng cho các mặt hàng xuất khẩu dễ hư hỏng; thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cấp Cục và Chi cục. Bố trí cán bộ giải quyết thủ tục xuất khẩu hàng hóa 24/7 cho các lô hàng xuất khẩu…
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc như: hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục, thường xuyên đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch, xây dựng cơ chế để kiểm tra nhanh các chứng thư kiểm dịch động, thực vật và thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc nhằm mở rộng danh mục sản phẩm nông sản, thủy sản cũng như bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đề nghị UBND tỉnh biên giới phía Bắc thiết lập, duy trì thường xuyên mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền cặp cửa khẩu đối diện, đối thoại giải quyết những vấn đề thương mại phát sinh trên địa bàn, các phương án đảm bảo phòng chống dịch của phía Việt Nam; chủ động đánh giá, dự báo và báo cáo kịp thời tình hình hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn về các cơ quan chức năng biết tình hình.