Chủ trì hội thảo là bà Trần Thị Mỹ Linh - Phó giám đốc Sở Tư pháp; ngoài ra còn có đại diện một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các Chi cục có chức năng xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trực thuộc các sở, đại diện Phòng Tư pháp, một số phòng chuyên môn của huyện, thành phố…
Hội thảo nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, các nghị định xử phạt VPHC chuyên ngành; khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của Luật Xử lý VPHC. Đồng thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý VPHC; khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện...
|
Bà Trần Thị Mỹ Linh - Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội thảo. |
Tại hội thảo, đại diện Sở TNMT Lâm Đồng cho rằng còn nhiều bất cập trong thi hành pháp luật về VPHC trong quy định chung về xử phạt VPHC. Theo đó, việc hiểu và đánh giá hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm chưa đầy đủ và logic nên việc đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định xử phạt VPHC còn lúng túng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý VPHC năm 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC 2020. Theo quy định trường hợp VPHC không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản trên là thời hạn liên tục. Tuy nhiên, theo đại diện Sở TNMT, trường hợp người có thẩm quyền lập biên bản VPHC vào ngày nghỉ, lễ, tết thì việc chuyển biên bản và hồ sơ đề nghị người có thẩm quyền xử phạt sẽ gặp khó khăn, trong khi có những hành vi vi phạm nếu không lập biên bản VPHC ngay thì việc tìm đối tượng để lập biên bản là rất khó…
|
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Ở lĩnh vực đất đai, theo đại diện Sở TNMT, đối với việc san gạt mặt bằng trên đất sản xuất nông nghiệp (theo quy định của Luật Đất đai năm 2013) thì không có quy định này. Nhưng khi san gạt bị xử lý VPHC về huỷ hoại đất và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm thì rất khó vì đất đã được đào xới, thay đổi địa hình… Với lĩnh vực khoáng sản, theo đại diện Sở TNMT, hệ thống pháp luật xử lý VPHC và pháp luật trong Bộ luật hình sự chưa thực sự đồng bộ, thống nhất dẫn tới việc áp dụng luật chưa thực sự chuẩn xác…
Khó khăn trong xử lý VPHC cũng được đại diện Chi cục kiểm lâm – Sở NN&PTNT lấy dẫn chứng như thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác định giá trị không quá 48 giờ là khó thực hiện. Nguyên nhân do việc thành lập hội đồng định giá phải đảm bảo có đại diện thành phần Sở GTVT làm thành viên hội đồng; một số trường hợp không có đơn giá để áp dụng phải tổ chức đi khảo sát thị trường; một số trường hợp tang vật đang tạm giữ trong rừng… do vậy, trường hợp này nên quy định lại thời hạn xác định giá trị phù hợp với thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện…
Hội thảo cũng nghe các đại biểu trao đổi về kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.