Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khơi thông nguồn lực cho phát triển

(PLVN) - Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 32, cho ý kiến với 18 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 nội dung.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.

Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đề nghị được lập trên cơ sở 3 nguyên tắc. Thứ nhất, ưu tiên đề xuất các dự án nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của QH, UBTVQH; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, ưu tiên đề xuất đưa các dự án nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ ba, đề nghị Chương trình phải bảo đảm tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó việc xây dựng Chương trình cần bảo đảm các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ QH. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở các nguyên tắc đã nêu trên, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024 đối với 11 dự án, dự thảo. Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), đề nghị bổ sung đối với 8 dự án. Trên cơ sở đề nghị điều chỉnh, bổ sung các dự án, dự thảo này, Chương trình năm 2024 sẽ có 29 dự án, dự thảo do Chính phủ trình, tăng 9 dự án so với Chương trình đã được QH, UBTVQH thông qua. Về đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2025, trên cơ sở nguyên tắc đã nêu, Chính phủ đề nghị Chương trình năm 2025 gồm 17 dự án. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) sẽ trình 17 dự án và tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) sẽ trình 9 dự án.

Điều chỉnh 4 nội dung liên quan đến Kỳ họp thứ 7

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, tình hình cháy nổ ở nước ta thời gian qua diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, các khu dân cư, các cơ sở karaoke… Do vậy, để nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ sát với diễn biến hiện nay, rất cần thiết trình dự án Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. “Bên cạnh đó, nếu lùi dự án Luật này xuống trình tại Kỳ họp thứ 8 cũng sẽ ảnh hưởng đến các dự án Luật khác đang được chuẩn bị”, ông Lê Quốc Hùng nói.

Liên quan đến dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nếu dự án Luật được chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận đạt sự đồng thuận cao, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ để trình QH quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại 1 kỳ họp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ mong muốn UBTVQH, các Ủy ban của QH chia sẻ với quyết tâm của Chính phủ về việc không để các dự án Luật được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ QH. Bởi, nếu bị “vắt” sang 2 nhiệm kỳ thường sẽ khó thành công do ảnh hưởng đến tính liên tục.

Tại phiên họp, với 100% Ủy viên UBTVQH có mặt tán thành, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình năm 2024, theo đó nhất trí điều chỉnh tiến độ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đồng thời, bổ sung vào Chương trình 2 dự thảo Nghị quyết gồm Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của QH về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An trình QH cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình 1 kỳ họp; bổ sung dự án Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐNQ; đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Đọc thêm