Một năm thu gần bằng 2/3 tổng giá trị thu nợ của 4 năm
Thông tin tại Hội nghị về xử lý nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hôm 28/7 vừa qua cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt cùng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã giảm xuống còn 2,18%. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến ngày 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết 42, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó).
Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực trong 05 năm từ ngày 15/8/2017 đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, TSBĐ của các TCTD. Đặc biệt, Nghị quyết đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua bán nợ của VAMC.
Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, Nghị quyết 42 được ban hành thể hiện tư duy của nhà lập pháp thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế chứ không của riêng ngành Ngân hàng. “Nghị quyết 42 ban hành và có hiệu lực, điều đầu tiên là đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các TCTD chủ động trong xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả” – Tổng Giám đốc VAMC nhấn mạnh.
Cần tháo gỡ vướng mắc mới phát sinh
Trong 1 năm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, một số khó khăn, vướng mắc mới phát sinh như: Quyền thu giữ TSBĐ, quá trình thi hành án, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ… Đại diện Agribank cho biết, mặc dù Bộ Tài chính có Văn bản 4606/BTC-TCT (ngày 20/4/2018) về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42, nhưng nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, dẫn đến TSBĐ đã bán xong nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng.
Một vướng mắc nữa được đại diện Agribank đưa ra là mặc dù Nghị quyết 42 đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ TSBĐ, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ. Trong nhiều trường hợp gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp để vay vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ, theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ, nhưng nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, các ngân hàng rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình, hợp lý…
Liên quan đến thu giữ TSBĐ, đại diện Vietcombank cho rằng, Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận TSBĐ. Mặc dù vậy, khi khách hàng cố tình chống đối thì các TCTD vẫn phải khởi kiện khách hàng ra TAND có thẩm quyền để được quyền xử lý TSBĐ thông qua thi hành án. “Như vậy, các TCTD chỉ thực hiện thu giữ TSBĐ thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp; TSBĐ là đất trống… Điều này vô hình trung cũng hạn chế việc xử lý TSBĐ của các TCTD…”- Đại diện Vietcombank phân tích.
Đại diện Vietcombank cũng dẫn ra một thực tế là Nghị quyết 42 quy định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ: ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm của các TCTD, trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ không có bảo đảm khác của bên bảo đảm. Một số cơ quan chức năng như Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cũng đã có văn bản hướng dẫn nội bộ về nội dung này, nhưng đến nay Tổng cục Thuế vẫn chưa có hướng dẫn, dẫn tới nhiều trường hợp khi TCTD phát mại TSBĐ của DN, cơ quan thuế tại địa phương yêu cầu phải thanh toán tiền thuế nợ đọng của các DN thì mới thực hiện các thủ tục tiếp theo. Điều này gây khó khăn cho việc bàn giao, chuyển quyền cho người mua được TSBĐ…
Tại Hội nghị, đại diện các TCTD cũng kiến nghị các bộ, ban, ngành bám sát Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết một số nội dung như: Quyền thu giữ TSBĐ của các TCTD khi TSBĐ đang có người sinh sống, thu giữ TSBĐ là nhà xưởng, dây chuyền, máy móc, thiết bị đang được vận hành, sản xuất…; quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ; Hướng dẫn thực hiện quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp...
Ghi nhận ý kiến tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đề nghị, Cơ quan Thanh tra giám sát làm đầu mối tổng hợp tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN xử lý ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu để Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống hơn nữa. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của NHNN hoặc vượt thẩm quyền, NHNN sẽ có kiến nghị với Chính phủ.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng lưu ý , lãnh đạo các TCTD cần phải quyết liệt trong chỉ đạo xử lý nợ xấu và ngăn ngừa nợ xấu quay lại trong thời gian tới…”Vấn đề hiệu quả xử lý nợ xấu trong thời gian qua, trước hết phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của các TCTD. Trong quá trình theo dõi, chúng tôi thấy nơi nào Chủ tịch HĐQT, HĐTV, Tổng Giám đốc quyết liệt, lăn lộn thì chắc chắn kết quả tốt hơn”- Phó Thống đốc nhấn mạnh.