'Thất lạc' niềm tin

(PLO) - Khó có thể tin được bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) lại có thể bị thất lạc, “chưa tìm ra”, thế mà điều đó lại là sự thật. Đây không chỉ đơn thuần là công việc lưu trữ mà là trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm trước dân. Bản đồ quy hoạch – căn cứ pháp lý cho một khu đô thị lớn vào loại nhất nước mà “thất lạc” thì niềm tin của dân gửi gắm vào nơi đâu?
'Thất lạc' niềm tin

Niềm tin vào quyết tâm bảo vệ rừng của các lực lượng chức năng cũng “thất lạc” khi ông “trùm” gỗ Phượng “râu” ở Tây Nguyên bị Bộ Công an bắt. Chỉ là được phép “trục vớt” gỗ dưới lòng một con suối nhỏ mà có thể đóng “đại bản doanh” kho gỗ lậu trong Rừng quốc gia Yok Đôn hàng chục năm, ngay sát Đồn Biên phòng.

Cái bình phong giấy phép và Đồn Biên phòng đó đã để cho lâm tặc thứ thiệt lộng hành, qua mặt hàng loạt cơ quan chức năng như bảo vệ rừng, kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng và tất nhiên, cả chính quyền địa phương đều “có mắt như mù”, cả đoàn xe dài như tàu hỏa nối đuôi nhau chở gỗ lậu mà không nhìn thấy hoặc bị “mờ mắt” nhìn gỗ tròn, còn tươi mà bảo rằng đó là gỗ cháy, gỗ xẻ vớt từ suối lên mà cái dòng suối bé tý đó “khai thác” được hàng trăm mét khối gỗ thì có ai tin được không.

Giờ, khi mọi chuyện vỡ lở, sự khuất tất phơi bày ra ánh sáng thì thấy rõ các cơ quan chức năng đã để “thất lạc” trách nhiệm của mình và đang tìm kiếm lẫn nhau cái trách nhiệm đó. Khám nhà trùm gỗ, Công an tìm được bản ghi chép danh sách các đối tượng mà Phượng “râu” chi tiền. Chỉ mong cái danh sách đen này được giữ gìn cẩn thận, nó mà bị thất lạc thì vụ án này lại giống như vụ bán lô-gô “xe vua” ở Đồng Nai, chỉ có môi giới và đưa hối lộ, còn nhận tuyệt nhiên không!

Trước nay, việc để thất lạc hồ sơ không phải chuyện hiếm, kể cả trong lĩnh vực hành chính cũng như tư pháp. Có nhiều trường hợp gia đình liệt sỹ hoặc chính sách không được hưởng chế độ vì “hồ sơ thất lạc”, có huyện ở Hà Nội để “thất lạc” hàng trăm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có luật sư đến Tòa tìm đọc lại hồ sơ mình từng nghiên cứu bỗng không tìm thấy nữa,... Có nhiều chuyện tương tự như vậy và cái sự “thất lạc” này quả là rất đáng ngờ.

Việc để thất lạc hồ sơ, tài liệu mang lại những hệ lụy không nhỏ trong việc quản lý nhà nước, quản lý hành chính nhưng chưa ai bị hề hấn gì trong việc để thất lạc như vậy. Việc này không thể chỉ xử lý hành chính qua loa mà cần thiết, trong các trường hợp nghiêm trọng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự, tương tự như tội làm “lộ bí mật nhà nước”. Có thế, may ra thì các loại giấy tờ quan trọng mới tránh khỏi tình trạng bị thất lạc làm cho lòng tin của dân vào bộ máy công quyền “thất lạc” theo.

Đọc thêm