Đô thị thông minh xu thế của tương lai
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân TP.HCM đạt từ 8,5% trong năm 2017, đó là một con số đáng mừng phần nào minh chứng được tốc độ tăng trưởng của TP HCM trong thời gian qua. Mục tiêu mới của TP trong năm 2020 sẽ hướng đến thu nhập bình quân đầu người TP HCM đạt 9.800 USD, mức mục tiêu này tương đương hơn 220 triệu đồng một người mỗi năm. Theo kết quả nghiên cứu được công bố từ Oxford Economics nửa cuối năm 2017, TP.HCM được dự báo đứng thứ 2 trong số 30 thành phố châu Á có tốc độ tăng trưởng GDP mạnh nhất trong giai đoạn 2017-2021, ngay sau Ấn Độ.
Trên thực tế, từ trước đến nay, TP HCM cũng luôn là đầu tàu phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, với việc luôn đi đầu trong những xu thế mới, những mô hình kinh tế hiệu quả. Hàng năm, chỉ riêng TP.HCM đã đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước. Tuy nhiên, ngay trong lòng một TP đang đà phát triển mạnh mẽ vẫn còn không ít tồn tại làm cản trở bước tiến nhanh. Đó là sự thiếu đồng bộ và chậm trễ trong nhiều chính sách, việc phát triển cơ sở hạ tầng chưa đúng tầm với sự phát triển, hay bộ máy còn cồng kềnh, quan liêu, gây khó…
Nhìn nhận thẳng vào thực tế này, TP cũng đã có những chiến lược nhằm khắc phục điểm yếu và tạo tiền đề cho sự bứt phá, như tạo ra cơ chế đặc thù cho sự phát triển của TP và một đề án được nhiều kì vọng là đầu tư phát triển công nghệ thông tin nhằm hướng đến một đô thị thông minh trong tương lai.
Hiện nay, khá nhiều thành phố châu Á, trong đó có các thành phố “láng giềng” của Việt Nam như Singapore, Hồng Kong hay Thái Lan đã bước đầu thành công trong mô hình đô thị thông minh. Từ nhiều năm trước, Singapore đã được công nhận là “quốc gia thông minh” nhờ biết tiến hành cuộc “cách mạng công nghệ” từ rất sớm, 25 năm trước.
Năm 1981, Singapore bắt đầu kế hoạch máy tính hóa toàn quốc nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội. Sau đó, đến năm 2014, sáng kiến Quốc gia thông minh được ra đời với triết lý “người dân là trung tâm của quốc gia thông minh chứ không phải công nghệ. Cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống hàng ngày, vào quản lý đô thị của Singaore vẫn làm rất nhiều nước phải nể phục, kể cả phương Tây.
Con người vẫn là nhân tố trung tâm
Tại TP HCM, đề án về thành phố thông minh đã bắt đầu được thông qua từ cuối năm 2017, đồng thời với kế hoạch phát triển thành phố thông minh của Hà Nội và các đô thị khác như Bình Dương, Đà Nẵng, Vũng Tàu…
Với Đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, TP sẽ hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng...
Thành phố thông minh cũng giúp chính quyền sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tối ưu, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai. Để thực hiện được mục tiêu này, 4 nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên xây dựng gồm: kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở.
Tại cuộc gặp gỡ mới đây với cộng đồng công nghệ thông tin với chủ đề “Cộng đồng công nghệ thông tin - viễn thông chung sức xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh” ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã đưa ra thông tin về việc thành lập một đô thị sáng tạo ở phía Đông thành phố để làm tiền đề cho đô thị thông minh. Khu vực này bao gồm Q.2, Q.9. Q.Thủ Đức. Q.2 với khu Thủ Thiêm, Q.9 với Khu công nghệ cao, Q.Thủ Đức với Đại học QG TP.HCM sẽ tạo sự tương tác chặt chẽ về không gian nghiên cứu, đào tạo, sản xuất công nghệ cao và tạo thêm các vùng đệm để khởi nghiệp sáng tạo. Tại đô thị sáng tạo đầu tiên của TP, sẽ là nơi sống tốt nhất, thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống như hệ thống giao thông thông minh và các yếu tố khác. Đồng thời, vào tháng 5 sắp tới sẽ có một hội thảo quốc tế về khu đô thị sáng tạo và tại đây TP HCM sẽ cho đấu thầu đề án này.
Như vậy, mục tiêu về một đô thị TP HCM thông minh đã được khởi động. Nhưng tất nhiên, cũng như triết lý của Singapore, việc phát triển thành phố thông minh, yếu tố trung tâm luôn phải là con người. phát triển “thành phố thông minh” không chỉ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến mà rất cần một hệ thống quản trị thông minh, và điều này cần có sự học hỏi kinh nghiệm từ việc quản trị thành phố thông mình của nhiều đô thị phát triên trên thế giới. TP.HCM có những đặc thù riêng không giống bất cứ thành phố nào, thế nên, hệ thống quản trị này phải là sự tích hợp giữa việc cập nhật những yếu tố tiến bộ trong quản trị đô thị, đồng thời phải vừa tích hợp và tương thích được với mạng lưới địa phương, phù hợp với đặc thù của địa phương.
Có thể hy vọng, một kỉ nguyên thông minh đang mở ra cho đô thị phương Nam đầy năng động và sáng tạo này.