Thất nghiệp, cựu công an thành tướng cướp

(PLO) - Bị cho ra khỏi ngành công an, Nguyễn Đình Tâm (SN 1957, ngụ tại Bình Giang, Thăng Bình, Quảng Nam) đã rơi vào bi quan, chán nản. Không những thế, Tâm còn bước vào con đường phạm pháp, cướp bóc tài sản của người dân lương thiện.
Bến xe Tam Kỳ - nơi Tâm đã thực hiện thành công nhiều vụ cướp tài sản
Bến xe Tam Kỳ - nơi Tâm đã thực hiện thành công nhiều vụ cướp tài sản
Chân dung tên cướp trí thức
Được sinh ra trong một gia đình cách mạng “nòi”, từ nhỏ, Nguyễn Đình Tâm được chính quyền địa phương gửi ra Bắc học tập. 
Đây là một vinh hạnh lớn trong cuộc đời của Tâm, bởi trường này là trường dành riêng cho các em nhỏ miền Nam là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách. Những năm tháng chiến tranh, Tâm cũng như những học sinh miền Nam khác đã vượt qua rất nhiều trở ngại như khó khăn, vất vả và sự thiếu thốn tình cảm của gia đình. 
Thế nhưng, Tâm đã thể hiện được bản lĩnh của một “hạt giống đỏ”, chăm lo học tập với niềm tin sau khi học thành tài trở về cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong quá trình đi học, Tâm luôn được thầy cô khen ngợi vì Tâm thông minh, học giỏi.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 trường học sinh miền Nam, Tâm về lại quê hương. Đó là quãng đời hạnh phúc nhất của Tâm, được bạn bè ngưỡng mộ và được làm những công việc mình yêu thích. Nhờ nền tảng gia đình cơ bản, cộng thêm học lực của mình, năm 1979 Tâm được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư đoàn xã. 
Không bao lâu sau đó, Tâm được đứng vào hàng ngũ công an. Năm 1980, Tâm được cơ quan cử đi học ở Trường Sơ cấp Công an của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tại quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng).
Trong khóa học, Tâm được đề bạt giữ chức vụ Đại đội trưởng. Với dáng người to cao, đẹp trai và là người chỉ huy thông minh, nhanh nhẹn, Tâm luôn là tâm điểm chú ý của bạn bè trong trường. Học xong, Tâm trở về địa phương công tác. 
Học hành đến nơi đến chốn, nghề nghiệp ổn định, Tâm nghĩ đến chuyện lập gia đình và bước vào tình yêu của tuổi mới lớn. Đó là điều cũng bình thường và đáng mừng. Tiếc thay, tình yêu của Tâm đã vượt quá ranh giới cho phép của tổ chức nên Tâm bị kỷ luật và cho ra khỏi ngành công an.
Từ đó, thay vì nhận thức đúng đắn về những việc làm của mình rồi đứng dậy sau lần vấp ngã, Tâm lại rơi vào bi quan, chán nản. Cũng đúng thời gian này, mẹ Tâm đau ốm, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Tâm đang lang thang khắp nơi trong tâm trạng buồn chán thì gặp Trương Dũng. 
Nguyễn Đình Tâm
 Nguyễn Đình Tâm
Lợi dụng đúng tâm lý, hoàn cảnh của Tâm lúc này, Dũng đã lôi kéo Tâm vào con đường phạm pháp. Khi nghe Dũng đặt vấn đề về việc đánh thuốc mê để cướp tài sản của người dân, ban đầu Tâm cũng lắc đầu phản đối. Nhưng rồi nghĩ đến mẹ đang cần tiền chữa bệnh, nghĩ đến bản thân mình đã bị cho thôi việc, cộng thêm lời đường mật của tên Dũng, Tâm đã sa chân vào con đường vi phạm pháp luật.
Những “hành khách tốt bụng”
Ngày 25/9/1982, anh Hồ Văn Xía và em trai Hồ Văn Nhiên (ngụ xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) rủ nhau đi thăm họ hàng ở huyện Trà My (Quảng Nam). Lúc bấy giờ phương tiện giao thông còn khó khăn nên hai anh em họ phải đón xe hai chặng từ Phước Hiệp đến Tam Kỳ, rồi từ Tam Kỳ đến Trà My. 
Khi xe từ Phước Hiệp đến Tam Kỳ thì chuyến xe duy nhất từ Tam Kỳ đi Trà My đã khởi hành nên anh Xía và anh Nhiên phải ở lại qua đêm tại bến xe để sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình. 
Ngoài anh Xía và anh Nhiên, tại bến xe lúc này còn có nhiều hành khách khác cũng bị nhỡ chuyến. Khoảng 16h, có 3 hành khách gồm một thanh niên trạc 20 tuổi và 2 người đàn ông tầm 45 tuổi đến chuyện trò, làm quen với anh Xía, anh Nhiên. 
Qua giới thiệu, thanh niên trẻ tuổi quê ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam), còn hai người đàn ông đứng tuổi quê ở Gia Lai. Dù mới quen biết nhau nhưng họ chuyện trò rất vui vẻ và nhanh chóng cảm mến nhau. Đang lúc thời tiết nóng bức, người đàn ông có dáng người cao, gầy quê ở Gia Lai gợi ý ăn chè để giải nhiệt. Sau khi mọi người đồng ý, người thanh niên quê ở Quảng Nam nhanh nhẹn đến chỗ bán hàng rong gần đó mua 5 ly chè mang tới để mọi người cùng ăn. 
Dù 5 người cùng ăn nhưng khoảng một tiếng đồng hồ sau, anh Xía và anh Nhiên có cảm giác đau râm ran ở bụng, ba người còn lại thì vẫn bình thường. Thấy hai anh em họ Hồ mặt mày nhăn nhó, người đàn ông cao gầy bỗng sực nhớ trong hành lý của mình có thuốc đau bụng rồi nhiệt tình mang thuốc ra hướng dẫn anh Xía và anh Nhiên uống. 
Hai anh em anh Xía vui mừng khôn xiết, bởi hiệu thuốc cách khá xa bến xe. Họ thầm bảo trong lòng mình thật may mắn và luôn miệng cám ơn những người bạn mới quen tốt bụng.
Uống thuốc xong, khoảng một tiếng đồng hồ sau, anh Xía và anh Nhiên cảm thấy mi mắt mình nặng trĩu. Chẳng bao lâu, hai anh em anh Xía nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Khi hai anh em họ Hồ ngủ say, ba vị “hành khách tốt bụng” mỉm cười và nháy mắt nhau. 
Lúc này, bọn chúng lộ nguyên hình là những tên cướp vừa diễn xong một vở kịch hoàn hảo. Gã đàn ông cao gầy người Gia Lai lao đến lấy ba lô và tháo nhanh chiếc đồng hồ trên tay anh Xía đưa cho tên thanh niên trẻ tuổi mang đi. Tiếp đến, gã  lấy ba lô còn lại và chiếc đồng hồ trên tay anh Nhiên rồi cùng tên đồng hương vội vàng tháo chạy ra khỏi bến xe. 
Thấy dáng bộ khả nghi của hai “hành khách” này nên người dân đã hô hoán và đuổi bắt. Hai tên cướp chạy thục mạng theo Quốc lộ 1A về hướng chợ Tam Kỳ. Khi chúng chạy đến gần chợ Tam Kỳ thì bị quần chúng nhân dân bắt được.
Tại cơ quan công an, bọn chúng khai nhận, đối tượng cao, gầy tên là Trương Dũng (SN 1936, trú tại thôn 3, xã Iagrai, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đối tượng còn lại tên Lê Ngọc Tống (SN 1935, trú tại phường Hội Phú, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), tên cướp trẻ tuổi trốn thoát tên là Nguyễn Đình Tâm (SN 1957, trú tại xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). 
Ngoài ra, bọn chúng còn một đồng phạm tên là Nguyễn Thị Vui (vợ của Dũng), đang ở tại một nhà trọ gần bến xe.
Không có công ăn việc làm ổn định, lại muốn có tiền tiêu nhưng không phải lao động, Dũng, Tống, Vui đã bàn nhau ra Quảng Nam kết hợp với Tâm để cướp tài sản của hành khách. Thủ đoạn của bọn chúng là lân la làm quen với hành khách ở các bến xe, nhà ga rồi bỏ bột hạt bã đậu vào thức ăn, nước uống mời hành khách sử dụng khiến họ đau bụng. 
Khi họ đau bụng, chúng diễn vỡ kịch làm người tốt, đi mua thuốc đau bụng hoặc lấy thuốc đau bụng mà mình mang theo đưa cho nạn nhân uống. Thực chất, thuốc đau bụng của bọn chúng là thuốc ngủ. Khi các nạn nhân ngấm thuốc ngủ say chúng mới ra tay cướp tài sản.
Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, trước khi ra tay với anh Hồ Văn Xía và anh Hồ Văn Nhiên, cũng thủ đoạn như trên, tại bến xe Miền Đông (TP.Hồ Chí Minh), bọn chúng đã cướp của một cụ già 1 chiếc nhẫn vàng và 1 đôi bông tai; tại bến xe TP.Pleiku, chúng cướp của một người đàn ông 400 đồng và 1 bộ quần áo; tại bến xe Nghĩa Bình, chúng cướp của 3 anh bộ đội được 140 đồng và cướp của 1 hành khách khác 400 đồng cùng 12 chiếc nón lá... 
Các bến xe ở Phan Thiết, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... chúng đều lần lượt đến đóng vai “người tốt bụng” và đã cướp tài sản của hàng loạt hành khách khác.
Trốn thoát tiếp tục gây án
Trong khi Trương Tấn Dũng, Lê Ngọc Tống và Nguyễn Thị Vui ngồi trong 4 bức tường nhà giam lạnh lẽo thì Nguyễn Đình Tâm vẫn tiếp tục sa chân vào con đường cướp bóc. 
Sau khi trốn thoát trong vụ cướp tài sản của anh Xía, anh Nhiên, Tâm chạy ra Đà Nẵng bắt tay “làm ăn” với Trần Thị Phát và Lê Ngọc Phượng. Ngày 23/9/1982, trong vai những hành khách đợi tàu, Tâm, Phát, Phượng có mặt tại sân ga Đà Nẵng để tìm con mồi. 
Tại đây, chúng bắt gặp một anh bộ đội trẻ tên là Trương Minh Hồng đang ngồi đợi tàu. Tâm và đồng bọn liền đến làm quen rồi với màn mời nước uống đã pha sẵn bột hạt bã đậu. Chiêu trò của chúng đã khiến anh Hồng ôm bụng tìm chỗ “giải quyết”. 
Sau đó, chúng đưa “thuốc đau bụng” cho anh Hồng uống. Uống “thuốc đau bụng” xong, anh Hồng chìm vào giấc ngủ. Chỉ chờ có thế, Tâm và đồng bọn cướp lấy tài sản của anh Hồng.
Ngày 1/10/1982, Tâm và Phượng lại tiếp tục đóng vai “hành khách nhỡ tàu” tại ga Đà Nẵng. Thấy hai anh bộ đội biên phòng là Ngô Quang Thanh và Nguyễn Văn Cường đang ngồi đợi tàu tại đây, bọn chúng lân la đến làm quen. Sau hồi trò chuyện, Tâm tỏ ra là người hào phóng khi đi mua bún về mời anh Thanh và anh Cường cùng ăn. 
Trước khi đưa tô bún cho hai anh bộ đội, Tâm đã lén bỏ bột hạt bã đậu vào tô bún. Ăn xong, chúng rủ các anh đến nhà trọ Hòa Bình gần đó ngủ lại. Vừa đến nhà trọ, anh Thanh và anh Cường liền lên cơn đau bụng. 
Tâm bảo: “Chắc tại ăn uống dọc đường không vệ sinh, em có mang theo thuốc đau bụng đây, các anh uống vào một lát sẽ khỏi”. Sau khi uống thuốc, anh Thanh và anh Cường chưa kịp hết đau bụng thì đã chìm sâu vào giấc ngủ. Không chần chừ, Tâm và đồng bọn vơ vét tài sản của hai anh bộ đội rồi trốn thoát. 
Quen ăn bén mùi, ngày 3/10/1982, Tâm quay lại nhà trọ Hòa Bình thuê chỗ ở để hoạt động phạm pháp thì bị bắt. Khám xét trên người Tâm, cơ quan công an thu được 22 viên thuốc ngủ, 79 hạt bã đậu. Từ lời khai của Tâm, ngày 4/10/1982, Lê Ngọc Phượng bị bắt. Ngày 15/10/1982, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Tấn Dũng, Nguyễn Đình Tâm, Lê Ngọc Tống, Lê Ngọc Phượng. 
Tháng 7/1983, TAND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đưa ra xét xử vụ án “cướp tài sản riêng của công dân”, bị cáo Nguyễn Đình Tâm bị tòa tuyên phạt 10 năm tù giam, các đối tượng còn lại cũng “bóc lịch” từ 7 đến 12 năm.
(Còn nữa)

Đọc thêm