Thâu tóm doanh nghiệp, coi chừng phạm luật

 

Dự báo hoạt động M&A của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 25% - 30% . Tuy nhiên, do đặc thù của DN Việt Nam, đa số các thương vụ vẫn diễn ra với quy mô nhỏ, dưới 5 triệu USD. 
 

Dự báo hoạt động M&A của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 25% - 30% . Tuy nhiên, do đặc thù của DN Việt Nam, đa số các thương vụ vẫn diễn ra với quy mô nhỏ, dưới 5 triệu USD. 

Minh họa: INTERNET
 
Sôi động M&A
Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp TƯ, tới nay, toàn bộ DNNN đã căn bản chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Khoảng 4.000 doanh nghiệp (DN) đã cổ phần hóa với gần 35% có cổ phần nhà nước chi phối ở thời điểm cổ phần hóa và 1.200 công ty TNHH một thành viên tập trung ở 96 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, lâm trường quốc doanh, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) công ích. Ban này cho rằng, với điều kiện như vậy, các hoạt động mua bán và sáp nhập DN (M&A) sẽ thuận lợi hơn nhiều so với hình thức mua toàn bộ “công ty nhà nước” hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước trước đây. 
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hoạt động M&A diễn ra sôi động sẽ giúp DN tái cơ cấu, tăng sức cạnh tranh cũng như ảnh hưởng thị trường. Nhiều thương vụ chào mua công khai đã diễn ra trên sàn chứng khoán, như CTCP Thủy sản Hùng Vương chào mua CTCP Thủy sản An Giang, PNJ chào mua SFC, BTA Invesment mua cổ phiếu của Descon, vụ sáp nhập Kinh Đô miền Bắc và Công ty cổ phần Kem Kido thông qua việc hoán đổi cổ phiếu.
Tuy nhiên, nóng nhất phải kể đến hoạt động M&A trong giới ngân hàng. Sau những cái tên mới như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bản Việt đều là những thương vụ M&A đình đám. Ngoài ra, thị trường cũng dậy sóng bởi các tin đồn Eximbank thâu tóm Sacombank, rồi SHB thâu tóm Habubank.
Tránh phạm luật
Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), các thương vụ M&A tại Việt Nam ngày càng phức tạp và đa dạng hơn. Đã xuất hiện các cuộc thôn tính trên sàn chứng khoán, các cuộc thâu tóm thông qua việc mua lại các khoản đầu tư từ một số tổ chức đầu tư. Do đó, cần lưu ý, M&A là một trong các hình thức tập trung kinh tế thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.
Ông Phú cũng lưu ý một số trường hợp mua lại DN không bị coi là tập trung kinh tế, như trường hợp DN bảo hiểm, tổ chức tín dụng mua lại DN khác nhằm bán lại trong thời hạn dài nhất là một năm. Pháp luật cạnh tranh cũng đưa ra trường hợp tập trung kinh tế bị cấm, đó là khi thị phần kết hợp của DN tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ những trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể, hoặc lâm vào tình trạng phá sản hoặc có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, hoặc sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
Dự báo hoạt động M&A của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 25% - 30% . Tuy nhiên, do đặc thù của DN Việt Nam, đa số các thương vụ vẫn diễn ra với quy mô nhỏ, dưới 5 triệu USD. 
Theo ông Peter R.Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital, Việt Nam là thị trường mới nổi của hoạt động M&A. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1995 -2010 đã có 1.350 thương vụ M&A có sự tham gia của các công ty Việt Nam. Trong năm 2010, lượng giao dịch M&A ở Việt Nam đạt tổng giá trị là 1,75 tỷ USD từ 345 giao dịch. Ông Peter dự đoán, sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư mang lại cơ hội lớn của những ngành như bán lẻ, tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống. Việc thâu tóm đang xảy ra phổ biến đối với các công ty cạnh tranh trong cùng ngành (thâu tóm theo chiều ngang), điển hình trong những ngành như dược phẩm, xăng dầu, ô tô và công nghiệp dịch vụ …
Tuy vậy, vẫn có nguồn thông tin trái chiều cho rằng, 60% các thương vụ M&A không đem lại giá trị cho cổ đông và có thể nói là thất bại. Cho nên, các chuyên gia khuyến cáo, cần tránh những lỗi có thể làm đổ bể các thương vụ M&A.  Đó là: dự án kinh doanh bất khả thi, cơ cấu tổ chức không hiệu quả, định giá DN “không chuẩn” và cam kết suông. Do đó, để thành công trong các thương vụ này, trước khi ra quyết định, các bên cần hiểu sâu và được tư vấn kỹ càng về M&A  để không bị “hớ”.
Mai Hoa

Đọc thêm