Thấy bạn bị điện giật chết, bỏ xác vào bao tải mang ra đường: Có phạm tội?

(PLVN) - Các luật sư đánh giá trong vụ việc thi thể ông Cường trong bao tải bị ai đó vứt bỏ trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), những người liên quan có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Hiện trường nơi phát hiện thi thể.

Thi thể trong bao tải cột kín 

Khoảng 23h30 ngày 13/4, một nhân viên của Công ty Dịch vụ công ích quận Gò Vấp đi thu gom rác trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM) phát hiện bao tải trên vỉa hè, nghi là bao rác thải và đi lại gần kiểm tra.

Mở bao tải, người này tá hỏa khi phát hiện bên trong là thi thể một người đàn ông. Vụ việc được trình báo đến công an. 

Vào cuộc điều tra, công an phát hiện trên người nạn nhân còn có một đơn xin việc đề: “Chú Cường, nhà gần Nhà thờ Nghĩa Hòa, phường 6, quận Tân Bình”. Từ manh mối này, danh tính nạn nhân được xác định là ông Đinh Phú Cường (SN 1972, ngụ quận Tân Bình).

Ông Cường sống với mẹ và anh trai tại quận Tân Bình. Khoảng 10h sáng ngày 13/4, ông Cường đạp xe đạp ra ngoài nhưng đến khuya không thấy về. Gia đình đang rất lo lắng thì sáng ngày 14/4 nhận được tin ông Cường đã tử vong.

Trong quá trình điều tra Công an quận Gò Vấp phát hiện hình ảnh từ một camera trên đường Phan Văn Trị cho thấy, một người đàn ông đã điều khiển xe gắn máy ném chiếc bao bố chứa thi thể ông Cường trên vỉa hè đường Phan Văn Trị.

Sau đó, cơ quan công an mời hai người có liên quan đến làm việc. Hai người này khai rằng ông Cường tới nhà, sau đó bị điện giật tử vong. Do lo sợ bị liên lụy trách nhiệm nên họ bỏ thi thể ông Cường vào bao tải. Sau đó, một người chạy xe máy chở thi thể ông Cường đến quận Gò Vấp để vứt bỏ.

Ông Cường được xác định tử vong là do phù phổi cấp, trên người không có vết thương do đâm, chém gây ra. Nguyên nhân có phải chính xác do điện giật hay không thì cơ quan công an đang chờ Hội đồng giám định pháp y kết luận.

Gia đình nạn nhân cho biết hai người liên quan là người quen của gia đình, vẫn thường hay nhờ ông Cường qua sửa chữa vật dụng trong nhà và phụ giúp việc khi cần. Nạn nhân là người hiền lành, làm nghề tự do, ít mối quan hệ với người ngoài. Thường ngày ai thuê làm gì thì ông Cường làm nấy, không có thu nhập ổn định. Gia đình nghèo khó nhưng theo đánh giá thì ông Cường không hề nợ nần hay có thù oán gì với ai.

Hai người liên quan có thể bị xử lý hình sự?

LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM): “Hiện chưa có kết luận nguyên nhân cái chết của ông Cường. Nhưng nếu đúng như lời khai của những người liên quan là ông Cường đã chết vì điện giật, do lo sợ phải chịu trách nhiệm nên mang thi thể ông Cường đi nơi khác để bỏ thì hành vi trên có dấu hiệu phạm tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo Điều 319 BLHS”.

“Khoản 1 Điều 319 BLHS nêu: “Người nào đào phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Ở đây, hành vi mang thi thể đi nơi khác được xem là hành vi khác xâm phạm thi thể của ông Cường. Dù chỉ một người mang thi thể ông Cường đi vứt, nhưng do cả hai đều có bàn bạc, cùng thực hiện ý chí nên cả hai đều có thể bị xử lý hình sự”, LS Thanh nói.

Theo LS Thanh, cơ quan chức năng cần xem xét mục đích của hành vi, trình độ hiểu biết của những người liên quan để có thể xử lý hợp tình, hợp lý. “Luật quy định đã rõ nhưng hiện nay do trình độ, thiếu hiểu biết, lo sợ bị mời làm việc, rắc rối nên có thể họ chọn cách di chuyển thi thể đến nơi khác để “né” trách nhiệm. Tuy nhiên, hành vi di chuyển thi thể đi nơi khác bị pháp luật nghiêm cấm và nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều tra”.

“Người dân nếu phát hiện thi thể người chết hoặc thấy người đó chết vì nguyên nhân khách quan thì nên giữ nguyên hiện trường; đồng thời tri hô, trình báo với công an. Tất nhiên, người phát hiện, chứng kiến sẽ được công an mời làm việc nhưng đó là trách nhiệm, nghĩa vụ để làm rõ vụ việc. Chúng ta không làm gì sai thì không sợ. Mang thi thể đi nơi khác có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự”, LS Thanh nói.

LS Nguyễn Hoài Nghĩa thì đánh giá: “Ông Cường được xác định chết do phù phổi cấp, trên người không có vết thương do vật sắc nhọn gây ra”. Tuy nhiên, cần phải làm rõ, “điện giật thì có dẫn đến phù phổi cấp hay không?”.

“Đặt vấn đề mà ông Cường bị điện giật, ngất nhưng chưa chết nhưng vì bị bỏ vào bao bố, cột chặt gây ra ngạt thở, dẫn đến tử vong thì hai người kia có thể bị xử lý hành vi “Vô ý làm chết người” hoặc “Không cứu giúp người đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Do đó, cần làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết, chết thời điểm nào để xử lý đúng người, đúng tội”.

Còn LS Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM) hiện đang được gia đình anh Cường mời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nói: “Tôi chưa thể nhận định gì vì đang tham gia vào quá trình điều tra, xử lý tin báo của vụ án. Gia đình nạn nhân và tôi đang chờ kết luận điều tra của cơ quan công an. Hồ sơ vụ việc và thủ tục tư cách luật sư đã được công an quận Gò Vấp chuyển cho Công an quận Tân Bình (nơi xảy ra vụ điện giật với ông Cường)”.

Đọc thêm