Ngôi chùa nhỏ nằm giữa buôn làng Tây Nguyên này không chỉ là nơi vang lên tiếng kinh kệ niệm Phật mà còn là chỗ truyền thụ những kiến thức tiên tiến, hiện đại của ngành công nghệ thông tin.
Gian nhà tốt nhất trong chùa được dành cho lớp học với màn chiếu rộng và hàng chục chiếc máy vi tính và thu hút tới đây nhiều học viên con em đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Chùa mang tên Pháp Đạt, tọa lạc tại buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk.
Lớp học cho người nghèo
Lớp học mở giữa nhà chùa đó trong 3 năm đã đào tạo được 4 lớp Tin học học trình độ A và một lớp Tin học trình độ B dành cho trẻ em nghèo. Qua các kỳ thi lấy chứng chỉ Tin học quốc gia, tỷ lệ đỗ của lớp trình độ B là 100%, còn ở lớp trình độ A là hơn 90%. Đó là một tỷ lệ rất cao mà rất ít các trung tâm tin học “chính thức” có được.
Để đạt được tỷ lệ đáng mơ ước này, lớp học của chùa đã quy tụ được các giáo viên không những có tâm mà còn giỏi nữa. Đó là các thầy ở Trường cao đẳng Nghề dân tộc Tây Nguyên, ở Ngân hàng chi nhánh Đắk Lak, đặc biệt, có một gia đình bác sĩ tại đây thay nhau phát tâm làm thiện nguyện, các thầy dạy miễn phí đã đành, còn đem hết cả tâm sức và tấm lòng từ thiện dành cho lớp học.
Thầy nhiệt tâm, trò cũng ham học và nghiêm túc, chịu khó học hỏi. Học viên dưới mái chùa này có đủ các tôn giáo khác nhau, người theo đạo Phật, người đạo Công giáo, có em đạo Tin lành và cũng có người không theo đạo. Có một điểm chung giữa họ là ham học và... nghèo. Đây là lớp học miễn phí một trăm phần trăm, không những thế, khi đi thi, người học còn được nhà chùa lo cho tiền đi lại, lệ phí thi, ăn uống… Đại đức Thích Niệm Tấn chuyển ra làm việc và ngủ bên hiên chùa, dành căn phòng tốt nhất cho lớp học từ thiện.
Được đối xử như vậy, các em sẽ cố gắng để không phụ lòng thầy và nhà chùa đã ưu ái dành cho.
Trụ trì chùa Pháp Đạt là Đại đức Thích Niệm Tấn - người mở lớp Tin học giữa chùa và kêu gọi mọi người phát tâm để duy trì lớp học. Điều lý thú là ông từng được đào tạo để làm thầy giáo khi Đại đức là cử nhân Ngữ văn hệ chính quy. Khả năng sư phạm đã cho ông một suy nghĩ đúng đắn là dạy học không quan trọng bằng việc khích lệ ý chí học tập của các em. Chỉ khi nào các em có ý chí học tập và mục đích rõ ràng thì việc học mới có kết quả.
Suy nghĩ đó của nhà sư sư phạm đã được phật tử thấm nhuần, năm vừa qua, chùa Pháp Đạt có 20 phật tử đi thi thì cả 20 đều đỗ vào các trường đại học danh tiếng của cả nước. Đó là một phần thưởng tinh thần vô giá đối với nhà sư vốn coi trọng việc học.
Riêng đối với lớp Tin học, được mở ra trong ngôi chùa đầu tiên của một buôn người dân tộc thiểu số, lại có nhiều người dân theo đạo Thiên chúa, Tin lành thì Đại đức Thích Niệm Tấn cho rằng không phải ông mở lớp để vận động họ theo đạo Phật.
Ông cho biết, cửa chùa Pháp Đạt luôn luôn mở rộng cửa cho tất cả những người nghèo muốn học tập, không phân biệt tôn giáo hay dân tộc. Nhà chùa chỉ dạy kiến thức khoa học, dạy đạo làm người chứ không “lồng ghép” bất cứ thứ gì là vận động cả. Thực tế đã minh chứng, các em tới đây học tập được đối xử bình đẳng, được tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của các em. “Còn việc giác ngộ tùy thuộc vào chữ duyên, có duyên ắt được” - Đại đức Thích Niệm Tấn quan niệm như vậy.
|
Đại đức Thích Niệm Tấn chuyển ra làm việc và ngủ bên hiên chùa, dành căn phòng tốt nhất cho lớp học từ thiện. |
Cho chúng sinh trí tuệ là công đức vô lượng
Vì sao chùa Pháp Đạt chọn mảng giáo dục làm từ thiện?. Nhà sư cho rằng đây là lĩnh vực ít chùa nào làm, hơn nữa, lĩnh vực Tin học hết sức quan trọng trong thời đại công nghệ thông tin, sự lạc hậu về công nghệ này sẽ dẫn đến mọi sự lạc hậu khác. Nhà Phật quan niệm rằng cho chúng sinh trí tuệ là công đức vô lượng mà giáo dục chính là nâng cao hiểu biết trí tuệ.
Chính vì vậy mà nhà sư đã bỏ nhiều công sức vào lĩnh vực này. Ngoài chuyện trang bị 33 máy tính cho lớp học, còn tiền điện, tiền bảo trì, tiền chi phí cho các em đi thi..., nhà chùa phải lo vận động quyên góp. Hàng năm, chùa Pháp Đạt còn quyên góp cho học sinh nghèo bút, vở và đồ dùng học tập, tạo niềm vui học tập cho các em. Không những thế, nhà chùa còn nhận nuôi dậy 4 trẻ em, trong đó có 3 em là trẻ mồ côi.
Nhà chùa - Nhà trường này không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn là nơi động viên các em rèn luyện ý chí nhằm trở thành người có ích cho xã hội và gia đình, lấy sự học làm con đường tiến thân. Tâm niệm của nhà sư - nhà sư phạm Đại đức Thích Niệm Tấn đã đần dần trở thành hiện thực ở một buôn làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Bình Sơn