Khuyến cáo 2 nhóm người đeo khẩu trang
Chiều 20/10, Bộ Y tế cung cấp thông tin về việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, khi COVID-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, về công tác phòng bệnh, ngành y tế sẽ tiếp tục khuyến cáo 2K, đặc biệt khuyến khích đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
"Việc đeo khẩu trang không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn nhiều bệnh lý lây qua đường hô hấp khác", GS Lân cho hay.
GS Lân cũng nhấn mạnh, đối với những người bị COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh đeo khẩu trang trong thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Những người đi chăm sóc người mắc COVID-19 cũng nên đeo khẩu trang...
Liên quan đến việc đeo khẩu trang, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, trong các cơ sở khám chữa bệnh nên duy trì đeo khẩu trang, vì ngoài COVID-19 thì có nhiều tác nhân khác có thể gây bệnh truyền nhiễm. Hiện chưa có quy định nào về việc bỏ đeo khẩu trang ở cơ sở khám chữa bệnh.
Về công tác điều trị giai đoạn tới, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay, kể cả khi COVID-19 thuộc về nhóm B thì vẫn có thể có trường hợp bệnh nặng, vì vậy phác đồ điều trị vẫn theo hướng dẫn cập nhất mới nhất tính đến tháng 6/2023.
GS.TS Phan Trọng Lân cùng các lãnh đạo Vụ/Cục trực thuộc Bộ Y tế thông tin về việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Ảnh: Ngọc Nga |
Chi phí điều trị COVID-19 chi trả ra sao?
Về vấn đề chi trả cho công tác khám chữa bệnh COVID-19, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết, khi bệnh COVID-19 được điều chỉnh sang nhóm B, việc thanh toán viện phí sẽ chia ra nhiều trường hợp.
Với các trường hợp đến khám từ ngày 19/10 trở về trước, ngân sách nhà nước vẫn sẽ chi trả.
Từ ngày 20/10, người bệnh đi khám chữa bệnh COVID-19 thì quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh sẽ chi trả theo quy định bảo hiểm y tế. Nếu người bệnh đi khám không đúng tuyến sẽ hưởng bảo hiểm y tế ở mức thấp hơn như quy định hiện hành với các bệnh truyền nhiễm nhóm B. "Người bệnh đi khám ngoại trú ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương thì quỹ bảo hiểm y tế không chi trả", ông Toàn thông tin.
Với người không có bảo hiểm y tế sẽ phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh COVID-19, khi bệnh chuyển sang nhóm B.
Ông Toàn chia sẻ: "Với trường hợp chuyển tiếp là nhập viện trước ngày 20/10 và ra viện sau 20/10 thì ngân sách nhà nước vẫn chi trả theo bệnh truyền nhiễm nhóm A".
Thông tin thêm về công tác điều trị COVID-19, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, việc chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B không có nghĩa là bệnh nhẹ đi.
Phác đồ điều trị bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục duy trì theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế cũng đã cập nhật thêm một số hướng dẫn về cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Từ ngày 20/10, người bệnh đi khám chữa bệnh COVID-19 thì quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh sẽ chi trả theo quy định bảo hiểm y tế. Ảnh: Ngọc Nga |
Các bệnh viện dã chiến xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, theo báo cáo hiện nay hầu hết các địa phương đã giải thể bệnh viện dã chiến.
Về cơ sở bệnh viện dã chiến của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại Hoàng Mai đã giải thể, theo đề nghị của bệnh viện, Bộ Y tế sẽ xem xét để cơ sở này hoạt động theo hướng đáp ứng khám chữa bệnh thông thường.
"Cơ sở khám chữa bệnh y tế thông thường sẽ có những điều kiện về cơ sở vật chất khác với bệnh viện dã chiến. Do đó, để cơ sở dã chiến này chuyển đổi thì cần phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định hiện hành", ông Khoa nói.
Bộ Y tế vẫn đang duy trì bệnh viện dã chiến số 13 ở TP HCM để sẵn sàng tiếp nhận thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 khi có dịch trở lại. Tuy nhiên, Sở Y tế TP HCM cũng đã có báo cáo đề nghị giải thể cơ sở này.