Thay đổi thói quen ẩm thực để an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Salmonella - một loại vi khuẩn nguy hiểm có thể gây thủng ruột đã được tìm thấy trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại Việt Nam gần đây. Thực tế này đòi hỏi người dân phải thay đổi thói quen ăn uống gây hại.
Khuẩn Salmonella gây ra nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn (Ảnh: BVCC)
Khuẩn Salmonella gây ra nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn (Ảnh: BVCC)

Salmonella có thể gây ngộ độc quy mô lớn

Vụ ngộ độc sau đêm Trung thu tại chung cư P.H (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã khiến dư luận bàng hoàng khi có đến 19 trẻ phải nhập viện điều trị và một trẻ tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do bánh su kem, khả năng cao bị nhiễm khuẩn từ khâu bảo quản trước đó. Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế TP HCM, ngoài những trẻ được đưa đến các bệnh viện, còn có 2 trẻ đến phòng khám tư. Tại đây, hai bé trai 6 tuổi và 12 tuổi có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, được chẩn đoán viêm dạ dày, ruột và kết quả xét nghiệm PCR phân đều phát hiện dương tính với vi khuẩn Salmonella.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam xác định tổng cộng 313 người bị ngộ độc do ăn bánh mì P (ở TP Hội An, Quảng Nam), trong đó có 103 người nước ngoài. Số người nhập viện cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng là 273 người; có 40 người điều trị tại nhà và khai báo qua điện thoại. Theo kết quả kiểm nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang, nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm cũng do vi khuẩn Salmonella có trong thịt heo xíu.

Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Tháng 4/2022, một số nước châu Âu cảnh báo và thu hồi kẹo trứng chocolate Kinder do nghi ngờ nhiễm vi khuẩn Salmonella. Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương Việt Nam đã rà soát thị trường, lấy mẫu kiểm nghiệm, thu hồi một số sản phẩm này.

Thay đổi thói quen ăn uống

Nhiễm vi khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm vi khuẩn Salmonella trong dạ dày và ruột. Nội độc tố của vi khuẩn Salmonella gây ra ảnh hưởng rất xấu tại ruột, nội độc tố sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột (kích thích ruột gây đau bụng, làm chảy máu, hoặc có thể gây thủng ruột). Ngộ độc do Salmonella biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém, vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng.

Tùy thuộc liều lượng ăn vào và mức độ nhiễm bẩn của thực phẩm, cơ địa từng người mà có thời gian ủ bệnh dài ngắn khác nhau, thông thường từ 6 đến 72 tiếng. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa, mất nước,… Ở một số người khi bị nhiễm Salmonella, dù không có triệu chứng gì nhưng vẫn có thể truyền bệnh cho người khác (gọi là người lành mang trùng).

Hầu hết các trường hợp có cơ địa khỏe mạnh khi ngộ độc thực phẩm nhiễm Salmonella đều có thể phục hồi trong vòng từ vài ngày đến một tuần mà không cần điều trị phức tạp. Theo đó, bệnh nhân sẽ bù dịch, điều trị mất nước. Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng. Lúc này vi khuẩn tăng sinh đủ lớn và độc lực đủ mạnh để gây ra những biểu hiện nhiễm trùng tiêu hóa, suy yếu hệ thống miễn dịch, bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh.

Những bệnh liên quan đến vi khuẩn gây nguy hiểm do tác nhân khó có thể nhận biết được bằng mắt. Đồng thời triệu chứng ngộ độc khi nhiễm khuẩn Salmonella không đặc thù, người dân khi có các dấu hiệu như ói, tiêu chảy nhiều, liên tục, đặc biệt là trẻ nhỏ có dấu hiệu lừ đừ, co giật thì không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để kiểm tra, điều trị sớm.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vi khuẩn này có thể tồn tại trong nước 2 - 3 tuần, trong phân 2 - 3 tháng. Trong nước đá, Salmonella sống được 2 - 3 tháng. Chúng bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, hoặc có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường. Sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong 2 - 3 tuần; hoặc 2 - 3 tháng ở 2 - 20% người nhiễm.

Để phòng tránh nhiễm khuẩn, bác sĩ khuyến cáo mọi người ăn chín uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Rau ăn sống phải rửa sạch dưới vòi nước giúp trôi vi khuẩn, nên ngâm rau bằng thuốc tím. Thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng nhà bếp.

Cũng theo các bác sĩ, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella sau khi điều trị hết thì không để lại di chứng. Sau khi bị nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn thì hệ vi sinh đường ruột chưa cân bằng lại được cho nên việc ăn uống cần được giữ gìn. Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, bảo đảm vô khuẩn và sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm. Có thể dùng thêm các lợi khuẩn để cân bằng lại hệ thống vi khuẩn đường ruột, bảo đảm tránh lây nhiễm những vi khuẩn còn sót lại...

Đọc thêm