Thay đổi thời tiết, tuyệt đối không chủ quan với bệnh viêm phổi

(PLVN) - Viêm phổi là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là khi thời tiết thay đổi. Khí hậu ẩm ướt mưa nhiều khiến cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh, càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.
Hình ảnh minh họa

Theo bác sĩ Đinh Thị Thắm, Khoa Nội thận – Tiết niệu – Hô hấp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm theo sản xuất dịch tiết trong lòng phế nang. Bệnh xảy ra do các vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không bao gồm trực khuẩn lao.

Tình trạng viêm phổi nhẹ hoặc nặng tùy vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi, các bệnh lý nền kèm theo. Viêm phổi kéo theo hệ lụy nặng hơn thường gặp ở người lớn bị ức chế miễn dịch hoặc suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền kèm theo.

Theo thống kê viêm phổi có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn, trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người mỗi năm, và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em < 5 tuổi và người lớn > 75 tuổi.

Các nguyên nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp là vi khuẩn Steptococcus pneumoniae, Haemophilus influenza, Mycoplasma pneumoniae... Bên cạnh đó là các virus gây bệnh như virus cúm, cúm gia cầm, virus hợp bào hô hấp Adenovirus...

Cũng theo bác sĩ Thắm, tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà biểu hiện của viêm phổi có những đặc điểm khác nhau, các biểu hiện phổ biến bao gồm ho khạc đờm vàng hoặc xanh, có khi đờm màu gỉ sắt, đau rát họng, đau tức ngực vùng bị thương, cảm giác khó thở, sốt nhẹ hoặc sốt cao. Các biểu hiện ít hơn như tình trạng ho máu, nhức đầu, mệt mỏi, đau ngực, thở khò khè... Nếu không được điều trị đúng, viêm phổi có thể gây ra các biến chứng như: suy hô hấp, xẹp phổi, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Để phòng ngừa viêm phổi, đặc biệt viêm phổi nặng, người dân cần phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn từ người này sang người khác bằng cách khi ra đường cần có khẩu trang, nhất là nơi tập trung đông người, cần thường xuyên rửa tay, tiêm phòng cúm mỗi năm 1 lần.

Đối với người bị bệnh hô hấp mạn tính, đái tháo đường, bệnh gan mật mạn tính, tình trạng suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, người nghiện rượu cần tiêm phòng phế cầu 5 năm/lần, tiêm các loại vắc xin chống virus, vi khuẩn khác theo nhu cầu. Nam giới không hút thuốc lá, thuốc lào, không lạm dụng rượu bia, giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh. Ngoài ra cần một lối sống lành mạnh giúp tăng sức đề kháng: ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ.

"Tất cả các trường hợp nghi ngờ hoặc có biểu hiện của viêm phổi cần đến gặp bác sĩ để khám, chẩn đoán và điều trị. Người bệnh không nên chủ quan, tự điều trị hay tự mua thuốc kháng sinh về uống. Điều trị không đúng cách có thể dẫn đến bệnh nặng hơn, gây ra biến chứng và tăng nguy cơ kháng kháng sinh', bác sĩ Thắm khuyến cáo.

Đọc thêm