Thấy gì qua việc tuyên truyền pháp luật ở Trung đoàn 246?

(PLO) - Với cách làm sáng tạo, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1) qua chương trình sân khấu hóa không chỉ hiệu quả mà còn hấp dẫn người xem.
Cuộc thi được sự cổ vũ nhiệt tình của các chiến sĩ trẻ.
Cuộc thi được sự cổ vũ nhiệt tình của các chiến sĩ trẻ.

Hôm nay, ngày 9/5, tại Quân khu 9, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật toàn quân năm 2017 khu vực phía Nam. Trước đó, tại chương trình tập huấn khu vực phía Bắc, các báo cáo viên pháp luật toàn quân đã được xem mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1). 

Thượng tá Hứa Chiến Thắng - Chính ủy Trung đoàn 246 cho biết: “Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị ở các đơn vị quân đội. Vì vậy  “Làm sao để vừa sinh động, vừa hiệu quả”, đó là mục tiêu và cũng là phương châm trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Trung đoàn 246”. Theo Thượng tá Thắng, do đặc điểm chiến sĩ của Trung đoàn có trình độ văn hóa không đồng đều, nhiều chiến sĩ trẻ là người dân tộc thiểu số, vì thế công tác giáo dục nói chung và giáo dục pháp luật nói riêng phải tiến hành thường xuyên, liên tục và đa dạng để các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu quả đối với các đơn vị, các chiến sĩ trong đơn vị.

Chương trình sân khấu hóa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Trung đoàn 246 gồm có 4 đội chơi tham gia các phần thi: Thông qua trắc nghiệm kiến thức hiểu biết về pháp luật, kỷ luật, đơn vị đưa các nội dung tuyên truyền pháp luật, các Đội tuyển lựa chọn phương án trả lời đúng (bằng cách giơ thẻ số ứng với các phương án đưa ra).

Sau đó máy chiếu đưa ra phương án trả lời đúng. Bên cạnh đó, 4 đội chơi còn tham gia 4 phần thi: Chào hỏi; Hiểu biết pháp luật và xử lý tình huống pháp luật; Tiểu phẩm pháp luật theo chủ đề; Trò chơi pháp luật. Mỗi đội lựa chọn nội dung, xây dựng kịch bản, luyện tập, thể hiện trên sân khấu một kịch ngắn từ 10 - 12 phút theo chủ đề. Giữa các phần tuyên truyền trên sân khấu đan xen các tiết mục văn nghệ, sáng tác tự biên về pháp luật, kỷ luật. 

Có thể thấy đây là chương trình đồ sộ được đầu tư công phu. Không chỉ là bộ câu hỏi được soạn sẵn, sau đó được dựng thành các clip trên máy tính rồi chiếu trên slide, mỗi vở kịch được biểu diễn thấm đẫm công sức của những người biên kịch, diễn viên “cây nhà lá vườn”.

Lựa chọn đề tài thế nào cho vừa phù hợp với nội dung tuyên truyền vừa đúng luật là điều khiến anh em trăn trở. Diễn xuất nhuần nhuyễn qua từng vai diễn cho tất cả các diễn viên không chuyên là điều rất khó nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn được lựa chọn làm mô hình điểm đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một vở diễn từ ý tưởng đến khi công diễn trên sân khấu là một hành trình vất vả trải qua nhiều tháng luyện tập. Ngoài sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ của đơn vị còn có sự tham gia của các “diễn viên nữ” ở các đơn vị kết nghĩa.  

Ngoài cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn có gần 250 báo cáo viên pháp luật toàn quân và nhân dân trong khu vực đơn vị đứng chân tới xem, cổ vũ nhiệt tình cho chương trình. Dù kéo dài tới gần 3 giờ đồng hồ nhưng đêm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Trung đoàn 246 hấp dẫn người xem đến phút cuối. Cùng với Ban giám khảo, gần 250 báo cáo viên pháp luật toàn quân khu vực phía Bắc cũng là những giám khảo công minh và chặt chẽ. Trên đường về Quân khu 1, dù đã muộn, nhưng trên xe, các báo cáo viên vẫn tiếp tục bình luận, mổ xẻ các tình huống pháp luật mà Trung đoàn 246 đã xây dựng, biểu diễn và đánh giá cao chương trình mà Trung đoàn đã thực hiện.

Với chúng tôi, những người thực hiện trang Quốc phòng-An ninh đã có 8 năm đồng hành với hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong Quân đội thì đó là chương trình hay, đề tài phù hợp với việc tuyên truyền như vấn đề đảo ngũ trong lính mới, không uống rượu bia khi tham gia giao thông, “bộ đội không được tơ hào cái kim, sợi chỉ của nhân dân”…, việc dàn dựng tốn kém nên không thể biểu diễn xong rồi thôi.

Vì vậy, ngoài ghi nhận những kết quả và sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 246, chúng tôi còn mong muốn chương trình sân khấu hóa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của đơn vị được Bộ Quốc phòng xem xét, đánh giá, sau đó biên tập, chỉnh sửa nội dung, in ấn thành băng đĩa để phát hành tới các đơn vị quân đội, đồn biên phòng, vùng biên giới, hải đảo, tránh tình trạng sân khấu hóa tràn lan các mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật vì chương trình như vậy chưa kể công sức bộ đội thì việc đầu tư kinh phí không nhỏ. 

Những năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động “Chung tay xóa nghèo pháp luật vùng biên giới, hải đảo” như in ấn cẩm nang pháp luật, phát hành sách, báo đến các đơn vị Quân đội, vì vậy, đề nghị Bộ Quốc phòng đồng hành, phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện in ấn các băng đĩa nêu trên bằng các chương trình xã hội hóa do Báo Pháp luật Việt Nam kêu gọi tài trợ. 

Đọc thêm