Thầy giáo “quân hàm xanh” mang cái chữ đến vùng biên giới, hải đảo

(PLO) -Không chỉ chắc tay súng bảo vệ biên cương, ở những bản làng vùng biên, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) còn giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Một trong những dấu ấn được ghi nhận, tôn vinh của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là dạy học, xóa mù chữ cho học sinh ở vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc, góp phần “Nâng bước em đến trường”.
 
Hàng ngày, Bộ đội biên phòng lại “Nâng bước em đến trường”
Hàng ngày, Bộ đội biên phòng lại “Nâng bước em đến trường”

Trên những bản làng biên cương xa xôi, trẻ em người dân tộc thiểu số ăn chưa đủ no thì ước mơ đi học còn xa xăm lắm. Đã vậy, đường đến trường đèo, núi hiểm trở, cách xa nhiều cây số. Để xóa mù chữ cho người lớn, trẻ em và giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trong cả nước đã hỗ trợ nuôi 2.802 học sinh học hết lớp 12 với mức 500 nghìn đồng/em/tháng. Bên cạnh đó, BĐBP còn vận động bà con dân bản tham gia lớp học do cán bộ, chiến sĩ biên phòng mở tại nhà dân, thậm chí ngay tại đồn, chốt biên phòng.

Giáp ranh với Trung Quốc, nằm chót vót giữa muôn trùng núi của đại ngàn Tây Bắc, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương là một trong hai địa bàn nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. người ở đây chủ yếu thuộc dân tộc Mông, Dáy, Phù Lá, Thu Lao và Nùng. “Nơi xa nhất mà chúng tôi từng đến để vận động trẻ em đi học cách Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu 17 km. Đường ở đây đi lại khó khăn nên nhiều chỗ chúng tôi phải xuống xe dắt bộ” - Thượng úy Giàng A Trú - Đội trưởng vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu cho biết.

Thượng úy Giàng A Trú kể tiếp: “Lúc đầu, vận động bà con đi học khó vô cùng vì họ nghĩ biết cái chữ cũng không để làm gì. Một lần, tôi đang đứng lớp thì một người đàn ông đứng lên nói: Thầy giáo, tôi xin về. Khi tôi hỏi: Anh về nhà để làm gì thì anh ta trả lời: Về nhà để uống rượu”. Tôi hỏi cả lớp: Mọi người đã xuống thành phố Lào Cai chưa? Đã vào thị trấn Mường Khương chưa. Mọi người đều lắc đầu. Tôi bảo: ‘Học để đi tới những nơi không phải xã mình nhưng là huyện mình, thành phố mình thì không phải hỏi đường. Khi ấy, bà con mới gật gù, không bỏ học nữa”. 

Những lớp học xóa mù chữ của Thượng úy Giàng A Trú và đồng đội không duy trì được 100% sĩ số nhưng cũng được 70%. Lúc đông nhất, khoảng 90% bà con mà các anh vận động đã đến lớp. Ngoài những lúc tới các điểm trường dạy bà con, các anh còn tới thăm hỏi, đôi lúc tặng quà để tăng quan hệ quân - dân.

Bên cạnh việc mở lớp giúp người dân nơi đây xóa mù chữ, với chương trình “Nâng bước em đến trường”, sau khi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhiều trường trên địa bàn, các anh đã chọn ra 19 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng thiết tha được đến trường học cái chữ. Hai trong số đó được Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu mang về nuôi. Đó là hai anh em Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên. Anh trai Ma Seo Khoa khi ấy có thể nói một chút tiếng phổ thông (tiếng Kinh) trong khi em trai Ma Seo Xuyên chỉ có thể nói tiếng Mông.

Lần đầu tới nhà vận động, chúng lắc đầu và nói: “Tôi không đi đâu, tôi chỉ ở nhà với mẹ thôi”.

Để tiếp cận với hai anh em cũng như khuyên chúng về ở với các chú bộ đội, Thượng úy Giàng A Trú đã nhận là cậu và dùng tiếng dân tộc để trò chuyện với các em. Sau nhiều lần đến nhà làm quen, cuối cùng, Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên cũng đồng ý xa gia đình và bản làng để đến sống cùng các chú bộ đội. Hàng ngày, các chiến sĩ thay nhau đưa các bé đến trường. Đôi lúc, hai anh em cũng khóc vì nhớ mẹ. Vì vậy, các em được đưa về thăm nhà vào cuối tuần. Sau hơn một năm, hai anh em đã có những chuyển biến tích cực, học tốt lên và gần gũi với các chú bộ đội như người thân trong nhà.

2 năm qua, bằng việc đỡ đầu cho các em học sinh nghèo hiếu học ở hai bên biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tây Ninh đã thêm một lần nữa làm sáng lên hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, chính quyền địa phương ở khu vực biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia.

Em Bot Let Kriem ở phum C’viên Chơn, xã C’Viên, huyện Mi Mốt, tỉnh Tbong Kh’mun, Vương quốc Campuchia là một điển hình học sinh nghèo vượt khó đi lên. Bot Let Kriem năm nay 15 tuổi, là chị của 3 đứa em còn nhỏ dại. Mỗi ngày, em phải lội bộ gần 20km để bán xôi nướng phụ mẹ. Hôm nào bán hết thì kiếm lời được khoảng 12.000 ria (tiền Campuchia tương đương 60.000 đồng Việt Nam). Căn nhà gia đình em đang thuê để ở nằm dưới con dốc, hễ mưa xuống thì rác rến theo dòng nước chảy vào nhà.

Nhiều năm trôi qua, cuộc sống gia đình em cứ bấp bênh lệ thuộc vào thời tiết và sự thương tình của bà con lối xóm. Kriem hiểu, nhà 6 miệng ăn mà chỉ trông vào một sạp hàng ăn nhỏ xíu bên vệ đường và số tiền ít ỏi mẹ em giặt đồ thuê ngoài giờ thì không bao giờ đủ chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Do đó, Bot Let Kriem quyết định giã từ ước mơ làm cô giáo, tạm gửi phận mình vào mâm xôi nướng để phụ mẹ vượt qua cơn bĩ cực mưu sinh.

May thay, vài ngày sau khi Kriem nghỉ học thì đại diện chính quyền xã K’viên đến thông báo có học bổng của Đồn Biên phòng Tống Lê Chân, BĐBP Tây Ninh, Việt Nam trao tặng để em đi học tiếp. Cứ ngỡ như là một giấc mơ, lúc ấy, không riêng gì Bot Let Kriem hay gia đình em mà tất cả người dân trong phum, ai nấy đều vui mừng cho cô bé nghèo hiếu học.

Đọc thêm