Thầy mo - "linh hồn" của xứ Mường999

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong đời sống văn hóa dân gian Mường, thầy mo là người có khả năng giao tiếp với các thế giới ngoài thế giới người sống, bằng hành động mo tổ chức thành nghi lễ. Thầy mo là yếu nhân có vai trò “thông quan” với những lực lượng siêu nhiên mà con người tin rằng có liên quan đến cuộc sống của họ thông qua việc ông là người thực hiện lễ cúng các thần linh cũng như những lực lượng siêu nhiên khác.
Thầy mo - linh hồn của người Mường.
Thầy mo - linh hồn của người Mường.

“Không có mo thì không có người Mường”

Mo Mường là loại hình văn hóa dân gian nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc, là món ăn tinh thần trong cuộc sống của người Mường. Người Mường luôn tự hào với cách ví von nếu “không có mo thì không có người Mường”.

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường, không gian diễn xướng của mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó.

Mo Mường là một hiện tượng văn hóa dân gian tích hợp trong nó nhiều loại hình văn học nghệ thuật thuộc nhiều thành tố văn hóa dân gian như: tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương, nghệ thuật âm nhạc, lễ hội. Đồng thời, thông qua mo mà nhiều mặt khác trong đời sống văn hóa dân tộc cũng chịu ảnh hưởng như: lối sống, tư duy, phong cách, tư tưởng … Nói chung, mo Mường là một chỉnh thể văn hóa dân gian mà thầy mo là người am hiểu nhất.

Mỗi bản Mường đều có ít nhất một gia đình làm mo, truyền từ đời này qua đời khác để đảm bảo công việc nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh cho bản Mường. Dân trong xóm, bản gọi gia đình đó là mo Mường. Thầy mo là người thực hiện toàn bộ những nghi lễ cần có trong một đời người.

Theo nghĩa động từ, “mo” có nghĩa là xướng lên theo những làn điệu nhất định những bài cúng, những khúc mo nhòm, những cát mo kể trong các nghi lễ phục vụ đời sống của từng gia đình và cộng đồng. Người làm nghề mo được dân gian gọi là thầy mo hoặc trượng.

Những thầy mo Chiến, thầy mo Lươm ở Mường Bi (Tân Lạc), thầy mo Nhúm, thầy mo Chành ở Mường Động (Kim Bôi); thầy Kệnh ở Mường Thàng (Cao Phong); thầy Trí, thầy Đỏn ở Mường Vang (Lạc Sơn)… nổi danh trên khắp xứ Mường tỉnh Hòa Bình.

Theo thầy mo Bùi Văn Chuẩn, 87 tuổi thì thầy mo chính xác là nghề cúng bái. Thầy mo chính là sứ giả giữa thế giới thần linh và nhân gian. Mo Mường bao gồm nhiều thành tố văn hóa: Phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, lối sống, ngôn ngữ, văn chương, diễn xướng… phản ánh đặc trưng riêng mang bản sắc văn hóa của người Mường. Ở các vùng Mường hiện nay có 5 làn điệu mo được dân gian đặt tên: “Ò hoi”, “Dà dê”, “Hâm mo”, “Dà đôông” và “Hệu kệu”. Những làn điệu mo này, về mặt âm nhạc có giai điệu khác nhau. Nội dung mo Mường với hàng chục nghìn câu thơ, câu văn vần qua các bài mo, cát mo, roóng mo được sáng tác theo vần điệu, nghệ thuật và tuân thủ theo một nguyên tắc diễn xướng nhất định được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, là một sự độc đáo mà ít dân tộc nào bảo tồn được.

Thầy mo làm lễ cúng trong Lễ Mát nhà.

Thầy mo làm lễ cúng trong Lễ Mát nhà.

Người Mường sử dụng mo để thực hành nghi lễ trong đời sống 23 nghi lễ: Lễ Tết Nguyên đán, lễ thanh minh tảo mộ, lễ cưới, lễ tế thành hoàng, khuống mùa, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới, lễ cầu quàng; lễ mụ sinh, lễ vía hộp, lễ vía mạnh, lễ vía khang, lễ vía gầy, lễ mụ thố, lễ mụ thảy; cúng ma nhà, cúng ma rừng, cúng ma trài, cúng ma đống, cúng khồng trăm, cúng qua đêm ngoài đồng, cúng khồng tập; tang lễ.

Mo Mường thành 3 thể loại mo. Mo nghi lễ bao gồm những bài mo gắn với các lễ nghi trong đời sống tín ngưỡng của người Mường. Xét về chức năng thì thể loại mo này có chức năng dẫn dắt thần linh hay linh hồn, vía con người thực hiện một lễ thức nào đó, vì vậy nó mang tính chất nghi thức. Về nội dung thông thường gồm bốn phần chính: Thứ nhất là nêu lý do của lễ thức; thứ hai là mời các nhân vật thờ trong lễ nghi đó về tại nơi tổ chức nghi lễ; thứ ba là dâng ăn uống và cầu xin; thứ tư là đưa các nhân vật thờ về chỗ ngự.

Mo kể chuyện bao gồm những bài mo có chức năng kể chuyện. Mỗi một trường đoạn trong mo kể gọi là “cát”. Thể loại mo này không cố định về mặt nội dung mà phụ thuộc vào không gian, thời gian, hoàn cảnh hành lễ, sự sáng tạo và tâm lý của thầy mo. Tuy nhiên, nó bắt buộc phải có ở một số nghi lễ và có thể giản lược hay tạm vắng ở một số nghi lễ. Cụ thể như, trong nhóm nghi lễ gọi linh hồn con người (nhóm lễ vía) bắt buộc phải có phần “đẻ gạo” trước khi dâng ăn uống cho vía.

Mo nhòm là loại mo tả cảnh. Nhòm có nghĩa là ngắm nhìn ra phía xa. Nội dung những bài mo nhòm hầu hết là miêu tả về phong cảnh, đất nước, con người. Thể loại mo này được mo xen kẽ trong mo nghi lễ và mo kể, nội dung cũng không cố định. Đây là loại mo rất dễ bị giản lược hoặc có thể bỏ để đảm bảo thời gian và điều kiện cho mo nghi lễ và mo kể chuyện. Mo nhòm được coi như một “thứ gia giảm”cho mo nghi lễ.

Túi “khót”- bảo vật thiêng truyền đời

Mo Bùi Văn Lựng (năm 1957) được coi là “pho sách sống” của xứ Mường. Đến đời ông là đời thứ 7 làm mo. Những thầy mo có gia truyền làm mo như mo Lựng được dân chúng coi trọng hơn và gọi là “mo có nổ”. Mo Lựng bật mí, thầy mo khi hành lễ thường mặc chiếc áo dung để đi làm lễ là chiếc áo dài 5 thân cài khuy bên nách phải, màu xanh đen, thắt đai lưng, đội mũ vải nhọn đầu như hình chiếc bồ đài. Và đặc biệt hơn cả, thầy mo mang trong mình chiếc túi phép chứa đựng vật thiêng trong quá trình làm mo.

Cũng như mo Lựng, mo Chuẩn từng cho biết, “khót” là túi đồ nghề cực kỳ quý hiếm của mỗi thầy mo xứ Mường. Túi “khót” là bảo vật thiêng truyền đời, vật yểm trợ cho thầy mo khi thầy hành lễ. Đây là một vật không thể thiếu của thầy mo. Nếu biết mo và hành lễ giỏi đến mức nào mà không có “khót” thì cũng không được coi là thầy mo.

“Khót” trong tiếng Mường có nghĩa là sự sót lại. Trên thực tế, “khót” của các thầy mo là những cổ vật sót lại ở đâu đó mà chính thầy mo và người nhà thầy mo sưu tập được: có thể là lượm được hoặc có những vật mà họ phải đổi bằng trâu, bò, của cải, vàng, bạc. Họ quan niệm đó là những vật thiêng, vật có sức mạnh nên mới sót lại, có sức sống trường tồn theo thời gian. Khi tìm được những vật đó, họ cho rằng vật đó đã có duyên đến với họ để góp sức mạnh thực hiện việc làm phúc cho đời.

Bên trong túi “khót” của thầy mo Mường.

Bên trong túi “khót” của thầy mo Mường.

“Khót” được sử dụng rất đơn giản, nó chính là vật thiêng trong nhà và luôn đi theo thầy mo hành lễ. Thường ngày, khi ở nhà với cuộc sống thường nhật, “khót” được đựng vào một chiếc túi vải hoặc túi gấm, thanh sạch được đặt trên bàn thờ tổ tiên nhà thầy mo. Khi hành lễ, chỉ có lễ vía mạnh, lễ trừ tà ma và tang lễ thầy mo mới đem “khót” theo mình. Trong các nghi lễ trừ tà ma, thầy mo mang “khót” đến nhà chủ lễ, xếp bày vào một chiếc sàng và đặt lên cạnh mâm thờ tổ tiên thầy mo. Trong lễ vía mạnh, “khót” được cho vào một chiếc chậu có một chút nước sạch sau khi thầy mo đã niệm chú vào đó.

Trong đó, có rất nhiều đồ vật chuyên dụng, nhưng có thể chia thành 4 nhóm chính: Nhóm xương răng động vật, đồ kim khí, đá và các loại củ quả. Nhìn qua thì chúng là những vật dụng bình thường nhưng lại mang những ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Mỗi bộ phận trên cơ thể động vật như nanh hổ, nanh báo, sừng tê giác, ngà voi... đều đại diện cho con vật ấy hình thành “đội quân tinh nhuệ, hộ vệ” thầy mo đi trấn yểm khắp nơi. Khi đi cúng, bên cạnh túi “khót”, mỗi thầy mo sẽ mang theo khánh và một con dao dài bên cạnh.

Tất cả các thầy mo Mường đều phải nhớ lời nguyền: “Sinh ra tôi không mặc áo rách, không đi bừa nà rộc, không ăn đầu gà, không ăn thịt chó, không mó đầu trâu, không ngủ nhà gái góa chồng”. Nếu phạm phải lời nguyền đó, thầy mo sẽ bị tai ương không thể hóa giải. Ngoài lời nguyền đó, các thầy mo phải có tâm, không giữ được đạo đức mà làm sai lệnh đấng linh thiêng thì bị giày vò cho đói khổ, bệnh tật, ốm đau đến chết”.

Trong thiết chế xã hội cổ truyền của dân tộc Mường, mỗi xóm, bản đều có những người được coi là thủ lĩnh tinh thần và rất am hiểu phong tục, tập quán truyền thống dân tộc gắn với nghi lễ trong cuộc sống. Thầy mo là người có uy tín, am hiểu phong tục, luật lệ của bản Mường nên được người dân coi trọng, tin tưởng và thường tới xin ý kiến về những việc cần phải khuyên nhủ, phân xử trong cuộc sống thường ngày.

Hiện, các địa phương vùng cao đang phối hợp các cơ quan, tổ chức; khuyến khích cá nhân có những đóng góp, hỗ trợ cộng đồng, nghệ nhân mo trong việc truyền dạy, phục hồi, lưu truyền các áng mo đã bị mai một, các tập quán xã hội tốt đẹp, tín ngưỡng và lễ hội liên quan đến mo Mường; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ giá trị văn hóa mo Mường trong cuộc sống đương đại, gắn với phát triển du lịch của các địa phương…

Đọc thêm