Người dân rất quan tâm tới các quy định của pháp luật về thay đổi họ, tên. |
Cải tên để khỏi “phạm húy”
Cuộc sống đang yên lành đối với gia đình chị Nhung, anh Thắng (ở Thường Tín, Hà Nội) với nhà cao cửa rộng, xe hơi, con cái đủ cả “nếp lẫn tẻ” thì đùng một cái tai họa bỗng cứ từ đâu ập đến. Bắt đầu là việc ông bố chồng đang khỏe mạnh bỗng phải nhập viện vì một cơn đau không rõ nguyên nhân. Hai tháng sau ông mất vì bị tai biến.
Đúng vào hôm nhà chị làm trăm ngày cho ông thì đứa cháu bên chồng chị trên đường đi học về bị xe quệt gãy chân. Rồi mới đây, ông chồng chị trong một lần lấy tiền từ ngân hàng về mải vui với bạn để tiền hớ hênh, lại bị trộm cuỗm mất… Thôi thì “của đi thay người”, chị đành phải tự an ủi thế cho đỡ “xót”.
Nhưng chưa dừng ở đó, thằng con (vốn là đích tôn của dòng họ) nhà chị dạo này tự nhiên lại hay ốm. Nửa đêm đang ngủ không biết nó mơ gì mà miệng ú ớ không thành lời, chân tay đạp loạn xạ rồi khóc thét lên. Chị hỏi cô giáo lớp mầm non xem thằng bé ở lớp có bị ai bắt nạt không, cô giáo nói không có gì.
Xâu chuỗi các sự việc dồn dập đến với gia đình, nhất là chuyện của thằng bé, chị đem giải tỏa với cô bạn thân. Vốn là người “tín ngưỡng” cao, cô bạn bắt chị nghỉ một ngày làm để đi xem “đường âm” nhà chị có “bị làm sao” không.
Nghe đồn tận Hưng Yên có một “thầy” xem rất giỏi, chị và cô bạn thân thuê tắc xi tới đó. Sau khi xem tướng chị , “thầy” hỏi về gia cảnh nội ngoại, hướng đất, hướng nhà, tuổi tác các cụ… rỗi phán một câu xanh rờn: tai họa đến với nhà chị chỉ vì … cái tên thằng bé đích tôn trùng với tên một người đàn ông chết trẻ trong dòng họ nội bên chồng. Người này vì chết trẻ nên rất thiêng, nếu chị không “xin” ông ta dễ bắt cả thằng bé đi.
Mặt mũi xanh rờn, chị tức tốc về quê chồng, lục tung cả gia phả lên để xem có người nào trùng tên với con mình hay không. Đúng như thầy phán, thằng bé cùng tên với một người ông… 4 đời trước, ông này mất năm 52 tuổi, nhưng vì ông chưa lấy vợ nên mọi người trong gia đình vẫn coi ông “chết trẻ”!?
Hơn hai mươi triệu đồng cả tiền công và tiền lễ cho “thầy” nhưng chị vẫn chưa yên tâm khi thầy nói người cõi âm đã đồng ý “tha” cho thằng bé con nhưng với điều kiện nó phải đổi tên khác.
Tức tốc, chị ra UBND phường, sau khi nghe chị trình bày, căn cứ vào Bộ luật Dân sự, vào Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch, UBND chấp nhận cải chính tên cho thằng bé từ Trần Hoàng Minh thành Trần Hoàng Hà. Không biết từ khi con mang tên mới, gia đình chị có “yên” không, nhưng gặp chị, ai cũng thấy chị thật viên mãn…
Và những chuyện “cười ra nước mắt”
Xung quanh câu chuyện về cái tên, có hàng ngàn chuyện nhầm lẫn khiến người ta điêu đứng. Một cô bạn học đại học của tôi có cái tên đầy nam tính “Phạm Minh Hải”. Vốn gia đình cô có 4 chị em gái, trong lần sinh cuối cùng, vì kỳ vọng đứa bé trong bụng sẽ là con trai nên bố cô nhất định phải đặt cái tên này. Khi cô ra đời, ông cũng kiên quyết không đổi, vì bảo giữ lại cái tên đó như một … kỷ niệm buồn.
Ngày vào lớp, không hiểu thầy Trưởng Phòng quản lý ký túc xá thế nào mà xếp ngay cô vào ở chung với các sinh viên nam. Ôm cái chiếu một cùng đống hành lý vào phòng, cô bạn mới té ngửa ra… mình bất đắc dĩ bị đổi giới tính.
Trước đây, nhất là những thế hệ sinh cách đây hơn nửa thế kỷ, hầu như các bậc sinh thành thường không để ý tới việc đặt tên cho con. Thậm chí, với những gia đình hiếm muộn hoặc sau nhiều lần sinh con khó nuôi, các cụ thường đặt những cái tên thật xấu với quan niệm xấu vậy thì mới dễ nuôi. Thế là những cái tên như Mít, Mẹt, Nở… cứ lần lượt ra đời. Có gia đình, anh em còn đặt tên theo vần, ba chị em gái thì là “Dét, Dèn, Dẹt”, 4 anh em trai thì “Súng, Nổ, Đùng, Đoàng”… Thế hệ 6X, 7X nhiều gia đình đơn giản đặt tên con gái chỉ có họ + Thị+ tên.
Ngày nay, việc đặt tên cho con trở nên quan trọng hơn vì ai cũng ý thức được cái tên sẽ theo người ta suốt đời. Nó giống như một “bộ mặt” khi giao tiếp. Do đó, nhiều người không chỉ vì sợ phạm húy như trường hợp chị Nhung, hay bị nhầm lẫn, phiền toái như Hải… mà đơn giản họ đổi tên chỉ để đảm bảo yếu tố… thẩm mỹ.
Thay đổi họ tên cho người dưới 14 tuổi: đến UBND cấp xã
1. UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi;
2. UBND cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi.
(Điều 37 Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch)
Thay đổi họ tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó
Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.
…Việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Đối với việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên, thì phải có sự đồng ý của người đó.
(trích Điều 38 Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch) |
Duy Hưng