EVN đã “chốt” chủ trương để các Công ty Lưới điện cao thế miền mang tên mới - Công ty Dịch vụ điện lực, trực thuộc các Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, để thực hiện mục tiêu tách bạch khâu dịch vụ ra khỏi các công đoạn liên quan sản xuất, kinh doanh điện.
Được biết, trước khi thống nhất phương án trên, có ý kiến cho rằng phải xóa tên các Công ty Lưới điện cao thế để lập mới các Công ty Dịch vụ điện lực; một số khác, vì một số lý do không muốn dùng từ “xóa” mà đề xuất nên đổi tên các doanh nghiệp trên thành các Công ty Dịch vụ điện lực.
Hội đồng thành viên EVN sau đó đã nghiêng về quan điểm thứ hai, và mới đây đã chính thức ra Nghị quyết số 485/NQ-HĐTV yêu cầu: “Đổi tên Công ty Lưới điện cao thế thành Công ty Dịch vụ điện lực chậm nhất ngày 20/12/2018”.
“Ngày 1/1/2019, Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc sẽ chính thức đi vào hoạt động, với đầy đủ bộ máy tổ chức và kế hoạch được chúng tôi giao”, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) Lê Quang Thái nói và cho biết thêm, “Tổng” này đang khẩn trương sắp xếp bố trí bộ máy lãnh đạo, văn phòng, rà soát và điều chuyển tải sản, lao động từ đơn vị cũ sang đơn vị mới.
Phó Tổng Giám đốc EVNNPC Lê Quang Thái: "Chúng tôi đang nỗ lực để Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc đi vào hoạt động theo đúng lộ trình của EVN" |
Theo đó, để phục vụ việc đổi tên, lập ra đơn vị mới, EVN đồng ý việc chuyển giao toàn bộ công tác quản lý vận hành lưới điện cao thế từ các Công ty Lưới điện cao thế miền trên địa bàn các tỉnh, thành phố sang các Công ty Điện lực tỉnh, thành phố để quản lý, trừ 5 Công ty TNHH MTV Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai.
“Về nhân sự, EVN chủ trương điều chuyển, sắp xếp, bố trí lãnh đạo, lao động tại cơ quan Công ty Lưới điện cao thế miền về Tổng công ty Điện lực miền, các Công ty Điện lực địa phương và các đơn vị khác thuộc Tổng công ty Điện lực miền, giữ lại một phần bộ máy của Công ty Lưới điện cao thế miền có chuyên môn phù hợp để biên chế vào Công Dịch vụ điện lực sau khi nó được đổi tên”, Chủ tịch EVNNPC Thiều Kim Quỳnh trao đổi với PLVN sau khi HĐTV EVN ra Nghị quyết về việc thành lập doanh nghiệp này.
Liên quan vấn đề trên, trước đó, đại diện EVNNPC cho biết, đã đề xuất phương án chuyển 300/2.400 lao động từ Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc về 2 Ban quản lý dự án thuộc EVNNPC sau khi điều tiết thêm khối lượng công việc cho 2 đơn vị này nhằm duy trì sự hoạt động bình thường của nguồn nhân lực trong Tổng công ty khi Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc không còn tồn tại.
Được biết, số lao động còn lại (hơn 2.000 người) tại 27 Chi nhánh Lưới điện cao thế ở các tỉnh miền Bắc sẽ được nhập vào các Công ty Điện lực các tỉnh để làm nhiệm vụ phụ trách lưới điện 110 kV tại các địa phương.
Theo EVN, các Công ty Dịch vụ điện lực miền sau khi thành lập sẽ có số lượng định biên trước mắt là 100 người, hoạt động cung cấp dịch vụ, đáp ứng những đỏi hỏi mới của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Công ty Dịch vụ điện lực "sinh" ra để làm gì?
Sự ra đời của các Công ty Dịch vụ điện lực là nhằm tách bạch khâu dịch vụ với sản xuất, kinh doanh điện năng. Cụ thể, các doanh nghiệp này sẽ thực hiện: Sửa chữa lớn các công trình điện; cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình điện; xây lắp các công trình điện; thí nghiệm các công trình điện; gia công cơ khí, sửa chữa thiết bị điện; các dịch vụ như lắp đặt, sửa chữa điện sau công tơ; đầu tư, vận hành, kinh doanh điện mặt trời trên mái nhà; chỉnh trang cáp viễn thông treo trên cột điện…