Thể chế luôn đòi hỏi cải cách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngay từ phiên họp đầu tiên triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã xác định công tác cải cách thể chế (CCTC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

Đã không ít lần Thủ tướng các nhiệm kỳ gần đây và hiện nay nhắc đến “Thể chế, thể chế và thể chế”. Cải cách thể chế lĩnh vực nào cũng quan trọng nhưng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng bộ, hiện đại, hội nhập... là một trong những điểm mấu chốt bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển đúng hướng, hội nhập thành công.

Đây chính là lý do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Văn bản số 301/TTg-PL ngày 6/4/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Để công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế khả thi, Thủ tướng lưu ý bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến, nhất là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, đối tượng chịu tác động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và các cơ quan liên quan khác; tăng cường sự phản biện xã hội. Không chỉ thế, thực tiễn thi hành pháp luật bao giờ cũng phải được sơ kết, tổng kết từ đó mới phát hiện xử lý kịp thời những vấn đề không còn phù hợp hoặc những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

Trong những năm qua, với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, dựa trên hệ thống chính sách đã được hoạch định trong từng lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung cho công tác CCTC và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Không chỉ hoàn thành, ban hành mới mà việc xử lý nhiều văn bản trái pháp luật, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, người dân; thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, hai năm qua việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với định hướng chuyển đổi số đã làm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả cả trong thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Phải ghi nhận rằng, CCTC là một trong các “điểm nhấn” thành công của Chính phủ. Để thực hiện cam kết “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chắc chắn phải tiếp tục CCTC. Điều này, nghe tưởng cũ nhưng yêu cầu luôn mới.

Đọc thêm