Ấn Độ chao đảo vì dịch bệnh
Ấn Độ đã 13 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày. Tổng số ca nhiễm hiện đã vượt mốc 20 triệu ca, tăng thêm 8 triệu ca chỉ trong vòng một tháng. Làn sóng lây nhiễm dâng cao đột ngột như vậy có thể đánh sập bất cứ hệ thống y tế tân tiến nhất nào, chứ chưa nói cơ sở hạ tầng y tế mong manh ở Ấn Độ.
Theo các nguồn tin y tế, trong giai đoạn đỉnh dịch của làn sóng đầu tiên, các bệnh viện tại Ấn Độ chỉ có 2-3 bệnh nhân ốm nặng vì Covid-19 mỗi ngày. Nhưng giờ đây, do số lượng bệnh nhân nguy kịch quá lớn, các nhân viên y tế ở nhiều thành phố đang phải đưa ra những quyết định khó khăn và đau đớn về việc đưa bệnh nhân nào vào khu điều trị tích cực (ICU), ai được sử dụng máy thở, ai được thở bằng oxy, nếu những phương tiện đó có sẵn.
Bản thân đội ngũ nhân viên y tế và tuyến đầu chống dịch tại Ấn Độ cũng đang thiếu hụt lực lượng trầm trọng. Các bệnh viện đã không thể áp dụng chế độ làm việc 48 giờ/tuần nữa, thay vào đó các bác sỹ và y tá phải làm việc 90-120 giờ/tuần. Một bác sỹ/y tá phải căng mình đảm đương công việc của 2-3 người. Họ đã sức cùng lực kiệt và có thể suy sụp bất cứ lúc nào. Giờ đây, mỗi giây phút là một thời khắc sinh tử trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Ấn Độ.
Đặc biệt, khủng hoảng Covid-19 còn đang diễn biến nghiêm trọng khi thiếu bình oxy cho bệnh nhân. Ít nhất 10 người và có thể lên đến 24 bệnh nhân tử vong khi một bệnh viện ở miền Nam Ấn Độ cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá nhất vào thời điểm này: Oxy y tế. Một số bệnh viện lớn ở Delhi đang “ăn đong” vào nguồn cung oxy hàng ngày. Họ không có dưỡng khí dự phòng nếu trường hợp khẩn cấp xảy ra. Các lãnh đạo bệnh viện khác cũng đang phải đối mặt với thách thức tương tự.
Theo bác sĩ Gautam Singh, người điều hành Bệnh viện Shri Ram Singh, cho biết bệnh viện ông có 50 giường bệnh Covid-19 và chỗ cho 16 giường điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, ông đã phải từ chối cho bệnh nhân nhập viện vì không có nguồn cung oxy. Hiện tại, oxy y tế đột nhiên trở thành một trong những tài nguyên quý giá nhất ở Ấn Độ. Và nhu cầu oxy sẽ tiếp tục gia tăng do số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày hầu như không giảm bớt.
Đây là thực tế nghiệt ngã về làn sóng lây nhiễm thứ hai đang bùng phát dữ dội ở Ấn Độ. Các ca nhiễm mới không ngừng gia tăng trong nhiều tuần, đến mức Chính phủ nước này đã phải lên tiếng kêu gọi thế giới giúp đỡ, động thái đánh dấu sự thay đổi lớn về chính sách của Ấn Độ trong 16 năm qua, trong đó thường nhấn mạnh đến khả năng tự lực và hình ảnh cường quốc mới nổi của mình.
Ấn Độ cũng nhận được sáu chuyến hàng thiết bị và vật tư y tế, bao gồm cả vật liệu sản xuất vắc xin Covid-19, từ Mỹ, gồm 1.100 bình oxy, khoảng 20.000 liều thuốc kháng virus remdesivir và nguyên liệu thô đủ để điều chế khoảng 20 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19. Chính phủ Đức cũng đề xuất gửi máy trợ thở và khẩu trang y tế sang giải cứu. Pháp lên kế hoạch chuyển thêm oxy lỏng, còn Nhật Bản cũng khởi động kế hoạch cung cấp máy trợ thở và máy điều chế oxy y tế cho Ấn Độ.
Hàng loạt quốc gia khác như Anh, Pháp, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)... cũng đang gấp rút gửi viện trợ y tế để giúp Ấn Độ đẩy lùi đại dịch, trong đó bao gồm máy tạo oxy, máy thở, khẩu trang, đồ bảo hộ...
|
Thế giới cũng không thể bình yên
Ấn Độ chao đảo vì khủng hoảng, thế giới cũng không thể bình yên, bởi “quả bom hẹn giờ” Covid-19 nằm ở một quốc gia có quy mô dân số lớn thứ hai thế giới, nền kinh tế lớn thứ sáu toàn cầu, được mệnh danh là “nhà thuốc của thế giới” và cũng là nơi xuất hiện các biến thể virus mới đáng lo ngại.
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ không phải là quốc gia cuối cùng chứng kiến sự gia tăng lớn về số ca mắc Covid-19. Nhiều nơi cho đến nay đã tránh được các làn sóng lây nhiễm trước đó vẫn dễ bị tổn thương. Điều đó đặc biệt đúng ở những quốc gia có thu nhập thấp, nơi tốc độ tiêm chủng và nguồn cung sẵn có thấp đến bất ngờ.
Theo các chuyên gia, một đại dịch toàn cầu đòi hỏi một phản ứng phối hợp trên toàn thế giới. Ấn Độ là một ví dụ hoàn hảo về điều sẽ xảy ra khi mỗi nước đều tự đi theo cách của riêng mình.
Chuyên gia Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm an ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ) nói: “Chừng nào đại dịch này chưa được kiểm soát ở mọi quốc gia trên thế giới, khi đó thế giới sẽ vẫn đối diện với rủi ro và chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển của các biến thể mới tác động đến vắc xin. Chúng ta sẽ vẫn ở trong một thế giới bị gián đoạn”.
Trên hết, trong tình hình hiện tại, Ấn Độ sản xuất 70% lượng vaccine của thế giới. Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã được trao quyền sản xuất vắc xin AstraZeneca cho 64 quốc gia thu nhập thấp trong chương trình Covax của WHO, cũng như 5 triệu liều cho Anh. Cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ khiến việc xuất khẩu vắc xin này bị trì hoãn hoặc đình chỉ, khiến nhiều quốc gia dễ bị tổn thương bởi làn sóng lây nhiễm mới và phải ngừng nối lại hoạt động kinh doanh.
Nếu Ấn Độ không thể cung cấp vắc xin cho phần còn lại của thế giới, chúng ta sẽ có thể chứng kiến những tác động lan tỏa dưới dạng các lệnh phong tỏa được tái áp dụng, các biện pháp giãn cách xã hội và những hoạt động kinh tế bị suy giảm đáng kể.
Ngoài ra, vì Ấn Độ là một nền kinh tế lớn, nên không chỉ Mỹ, khủng hoảng Covid-19 tại quốc gia này được nhận định cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng đưa ra dự đoán GDP Ấn Độ sẽ tăng trưởng 12,5% trong năm nay. Dù vậy, “làn sóng” lây nhiễm hiện tại đang đe dọa khả năng phục hồi kinh tế của nước này vì các lệnh phong tỏa và giới nghiêm phòng dịch.
Theo trang Yahoo Finance, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến nay vẫn không muốn áp lệnh phong tỏa toàn quốc và khuyến khích các bang giữ nền kinh tế mở cửa cũng vì điều đó. Yahoo Finance cho rằng nền kinh tế Ấn Độ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong quý II/2021, kéo theo triển vọng tăng trưởng toàn cầu đi xuống.
Cũng cần phải lưu ý rằng Ấn Độ là nguồn cung ứng nhân viên hành chính văn phòng cho nhiều hoạt động ở Tây Âu và Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế và tài chính. Với việc những dịch vụ này hiện đang bị ảnh hưởng trong làn sóng lây nhiễm mới, Phòng Thương mại Mỹ lo ngại rằng nền kinh tế Ấn Độ có thể tạo ra lực cản đối với kinh tế toàn cầu.